Đùm bọc nhau trong gian khó
Khi đợt dịch COVID-19 mới bùng lên tại Bắc Giang, tràn vào các khu công nghiệp với hàng nghìn công nhân, các ca bệnh gia tăng nhanh chóng; Bắc Giang đã bước cuộc chiến thực sự cam go. Với sự xuất hiện của chủng virus biến thể có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, việc giám sát phát hiện ra ca bệnh trong giai đoạn này được đánh giá là vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ngay lập tức điểm nóng dịch Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm, chung sức của các địa phương, các bệnh viện. Từng đoàn “chiến sĩ áo trắng” của các địa phương, các bệnh viện đã khẩn trương lên đường tới Bắc Giang hỗ trợ cùng chung sức chiến đấu ngăn chặn dịch COVID-19.
Ngay trong sáng nay (18/5), Đoàn cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện của tỉnh Thái Nguyên đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Đoàn tình nguyện gồm 51 cán bộ, nhân viên y tế có chuyên môn cao của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cử 21 người; Bệnh viện A cử 10 người; Bệnh viện C cử 10 người; Bệnh viện Gang thép cử 6 người; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử 3 người (trong đó đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm làm Trưởng Đoàn công tác); Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên cử 1 lái xe cứu thương tham gia. Cùng với “tiếp viện” về nhân lực, Thái Nguyên cũng hỗ trợ vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cho tỉnh bạn, gồm: 14.500 khẩu trang y tế và 120 chai nước sát khuẩn tay nhanh.
Dù cũng đang gồng mình chống dịch nhưng với tinh thần "chia lửa", ngày 17/5, Hà Nội cũng đã cử đoàn 20 y, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm chuyên sâu về truy vết, khoanh vùng dập dịch lên đường đến hỗ trợ Bắc Giang. Phụ trách “đội đặc nhiệm” này là Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung và Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn.
Đoàn hỗ trợ của Hà Nội đã tới khảo sát, thực địa để tìm hiểu, xây dựng phương án chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Đoàn chia làm 3 nhóm đi khảo sát thực địa khu cách ly tập trung, khu chuẩn bị cách ly tập trung, khảo sát công tác chống dịch trong cụm công nghiệp; làm việc với UBND huyện về các biện pháp triển khai, xử lý dịch bệnh trên địa bàn; xuống địa bàn dân cư lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, rà soát, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh...
Với tinh thần “cầm tay chỉ việc” công tác chống dịch, Đoàn hỗ trợ của Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho đại diện các xã, trạm trưởng trạm y tế, công an các xã trên địa bàn huyện để về kinh nghiệm, chuyên môn chống dịch. Đồng thời, chia sẻ với các lực lượng tham gia chống dịch các kỹ năng bảo hộ và nắm vững các biện pháp bảo hộ cá nhân để bảo vệ sức khỏe bản thân an toàn trong quá trình tham gia chống dịch.
Đặc biệt, cũng đang vừa phải cách ly y tế chống dịch, vừa phải “gánh” hàng trăm bệnh nhân COVID-19, nhất là các bệnh nhân nặng từ các địa phương chuyển tới nhưng với vai trò của bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đã sẵn sàng bố trí cử đội quân “tinh nhuệ” đến Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.
Ngày 17/5, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã lên đường đến Bắc Ninh để hỗ trợ tỉnh về chuyên môn; đồng thời thiết lập điểm cầu trực tuyến hỗ trợ các địa phương trong phòng chống dịch COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ.
Trước đó, ngày 15/5, Quảng Ninh cũng đã cử đoàn 200 y bác sĩ của của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí “xuất quân” lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch.
Ngay khi đặt chân đến Bắc Giang, 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã chia thành 10 tổ công tác bắt tay ngay vào công việc tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang).
Liên tục làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 9 giờ đồng hồ, các nhân viên y tế tình nguyện đã hoàn thành việc lấy mẫu tại công ty Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam; sau đó tiếp tục di chuyển để tiến hành lấy mẫu cho công nhân tại công ty TNHH công nghệ Lens Việt Nam. Xuyên đêm 15/5, các nhân viên y tế đã làm việc hết công suất, đã lấy được hơn 11.000 mẫu xét nghiệm.
Toàn bộ số mẫu xét nghiệm đã được chuyển thẳng về bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí để làm công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.
Tiếp đó, Đoàn nhân viên y tế tình nguyện lại tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân các công ty khác thuộc các khu công nghiệp của Bắc Giang.
Đến chi viện cho vùng dịch Bắc Giang, các y, bác sĩ của các tỉnh đều phải làm việc xuyên đêm để lấy hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm mỗi này, truy vết, khoanh vùng... tại các khu công nghiệp nơi đang là điểm nóng của dịch COVID-19.
Nhiều cán bộ y tế đã phải để lại con nhỏ ở nhà, sẵn sàng lên đường đi chi viện cho tỉnh bạn, làm việc quên ngày đêm chỉ mong sớm dập dược dịch. Tinh thần đó đã thêm nguồn sức mạnh rất lớn cho điểm nóng Bắc Giang thêm vững vàng, không bị lúng túng, loay hoay khi dịch bùng phát mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Nhờ có sự hỗ trợ của các địa phương, các bệnh viện, công suất xét nghiệm của Bắc Giang đã được nâng lên nhanh chóng, công tác truy vết, khoanh vùng dịch được triển khai mạnh mẽ, bài bản dưới sự hỗ trợ trực tiếp của Bộ Y tế.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Đến ngày 18/5, Bắc Giang đã xét nghiệm vòng 1 được cho công nhân của tất cả các khu công nghiệp. Khu nhà trọ quanh khu Công nghiệp Quang Châu cũng đã được phong tỏa, đã tiến hành lấy mẫu nghiệm xét nghiệm được cho 28.000 người dân, mới phát hiện ca bệnh liên quan ổ dịch trong công ty, chưa lan ra cộng đồng.
Trong khó khăn, sự chung sức của các địa phương, ngành y đã tạo nên sức chiến đấu vững vàng để Bắc Giang có thể nhanh chóng xử lý các ổ dịch, tiến tới kiểm soát dịch bệnh.
Nỗ lực dập dịch
Khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại Bắc Giang, trong đêm 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp có mặt để làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch. Đồng thời Bộ Y tế đã khẩn trương điều nhân lực từ trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đến Bắc Giang để hỗ trợ làm xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đã đưa đến địa phương một đoàn chuyên gia đầu ngành "cắm chốt" để hỗ trợ tỉnh gồm: Lãnh đạo Viện y học lao động, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế , và Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ Bắc Giang trong công tác truy vết, điều trị, xét nghiệm… Bộ Y tế cũng đã mang xuống 4.000 test nhanh hỗ trợ Bắc Giang trong thời gian ngắn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: "Điểm khác biệt của đợt dịch này tại Bắc Giang là dịch xảy ra ở khu công nghiệp, đặc biệt là tại nhà máy, số ca nhiễm tăng nhanh trong một thời gian rất ngắn. Tính từ ngày 8/5, tỉnh phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên và sau hơn 1 tuần đã phát hiện tới hơn 400 ca F0, kéo theo đó là số F1 tăng rất nhanh gây áp lực lớn về cách ly và điều trị. Dịch từ một nhà máy, 1 khu công nghiệp đã lan ra các khu công nghiệp khác, lan ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và đã có ca xâm nhập vào một số tỉnh, thành khác xuất phát từ Bắc Giang”.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, Bắc Giang vẫn đối măt tình trạng tiếp tục gia tăng ca nhiễm, đặc biệt là trong khu công nghiệp đã phong tỏa, một số địa bàn khu dân cư có mối quan hệ mật thiết với công nhân khu công nghệp. Khả năng lây nhiễm trong cộng đồng tại Bắc Giang hiện là rất lớn, có thể trong vài ngày nữa sẽ phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Khi đó, chúng ta phải đối mặt chống dịch trên 2 mặt trận: Tại các khu công nghiệp và trong cộng đồng.
Đặc biệt, tốc độ lây nhiễm của đợt dịch lần này cũng cao hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, biến chủng của Ấn Độ có tần suất lây nhanh hơn biến chủng của Anh, vì vậy phải chặn nhanh, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến cả công tác tiêm chủng.
Để ứng phó với tình hình cấp bách hiện nay tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã giao 4 đơn vị là : Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm sàng lọc COVID-19.
Về điều trị, Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai khảo sát, thiết lập ngay các phòng ICU, ít nhất là 50 phòng để điều trị bệnh nhân nặng ngay tại địa phương.
Đồng thời, ngoài bộ phận thường trực về điều trị đã cử xuống Bắc Giang hỗ trợ trực tiếp. Các chuyên gia của Tiểu ban điều trị sẽ kết nối hỗ trợ tỉnh chẩn đoán, điều trị những ca bệnh khó, nặng qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa khi cần.
Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ luôn sát cánh với Bắc Giang, hỗ trợ kịp thời cho tỉnh, quyết liệt để sớm kiểm soát được dịch bệnh.