Liên tục các ca biến chứng
Cảm thấy thiếu tự tin khi có nhiều mỡ thừa vùng bụng sau sinh; chị N.T.L (30 tuổi, ở Hà Nội) đã đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội để thực hiện phương pháp hút mỡ và tạo hình thành bụng với hi vọng sẽ lấy lại được vóc dáng thon gọn, săn chắc. Ngày đầu tiên sau hút mỡ, chị L. cảm thấy hơi đau và tự trấn an đó là biểu hiện bình thường; nhưng sang ngày thứ 2 chị bắt đầu thấy sốt và rất đau tại vùng bụng. Tuy nhiên khi phản ánh về tình trạng bất thường sau hút mỡ thì chị lại được cơ sở thẩm mỹ trấn an, khuyên cần theo dõi để xem vết thương ổn định rồi mới có kết quả.
Sau gần 1 tháng theo dõi, vết thương tại vùng hút mỡ của chị L. không những không liền lại mà còn ngày càng loét rộng ra, gần như thành vết thủng giữa bụng với đường kính tới 10cm. Lúc đó, chị L. lo lắng tìm hiểu trên mạng và nghi ngờ mình đã gặp phải biến chứng hoại tử mới tá hỏa đến Bệnh viện Hồng Ngọc để điều trị .
Chia sẻ về ca tai biến này, Ths.BS Bùi Tuấn Anh, Khoa thẩm mỹ Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết: “Đây là một ca khó, đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật mới có thể xử lý vùng hoại tử. Phần da bụng của bệnh nhân sau khi gặp biến chứng hoại tử đã tạo thành vết thương hở rất lớn, bị nhiễm trùng nặng nề. Các bác sĩ đã phải tính toán rất kỹ khi điều trị cho bệnh nhân. Ban đầu, các bác sĩ phải tiến thành xử lý, làm sạch vết thương; phần tổn thương sau khi được xử lý sạch được nuôi dưỡng và phục hồi chức năng để có thể đáp ứng được ca phẫu thuật. Cuối cùng, mới tiến hành phẫu thuật đóng vết thương bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình để đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa cho bệnh nhân”.
Theo Ths.BS Bùi Tuấn Anh, nếu không được xử lý kịp thời, trường hợp tai biến này sẽ còn nặng hơn, xử lý hậu quả sẽ còn khó khăn hơn nữa; thậm chí vi khuẩn có thể đi vào đường máu dẫn tới nhiễm khuẩn huyết thì sẽ rất tồi tệ.
Cũng nghe lời “rỉ tai” của bạn bè, chị N.T.T (ở thành phố Cần Thơ) đã bị biến chứng sau khi nâng ngực bằng mỡ tự thân tại một cơ sở làm đẹp trôi nổi. Khoảng 2 tháng sau phẫu thuật vết thương của chị bắt đầu rỉ dịch. Điều đáng nói là khi chị T. liên hệ với cơ sở làm đẹp thì lại được cơ sở này hướng dẫn “nếu có mủ thì nặn ra sẽ hết”. Nghe lời cơ sở thẩm mỹ, gần 5 tháng sau phẫu thuật, tình trạng rỉ dịch tại vùng ngực của chị T. càng ngày càng nặng hơn, chị T đã chủ động đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám và được chẩn đoán bị nhiễm trùng và mô tuyến vú. Các bác sĩ điều trị đã tiến hành phẫu thuật, bóc tách lớp mỡ tự thân được cấy vào, đồng thời xử lý lại từ đầu cho vùng phẫu thuật của người bệnh.
Trước nhu cầu làm đẹp tăng cao của người, lợi dụng sự cả tin của người dân, các cơ sở thẩm mỹ trá hình, hoạt động vượt quá phạm vi cho phép cũng ngang nhiên hoạt động khiến công tác quản lý làm “không xuể”.
Vừa qua, Thanh tra Sở Y TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố hoạt động khi chưa có giấy phép hoạt động, cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép. Có những cơ sở spa nhưng lại thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; không bảo đảm đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh khi có sự cố xảy ra…
Các cơ sở vi phạm nhan nhản, cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn “liều mạng” khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp mà không hiểu rõ về cơ sở thực hiện.
Cần tỉnh táo và có kiến thức
Ths.BS Bùi Tuấn Anh cũng cảnh báo: “Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhận một số lượng lớn người bệnh vào khoa Thẩm mỹ trong tình trạng bị biến chứng do làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo với tỷ lệ khoảng 5%. Đáng lo ngại là nhiều trường hợp bị biến chứng, khi được hỏi đều không có nhiều thông tin về spa hay cơ sở thẩm mỹ viện trước đó họ đã từng sử dụng dịch vụ; có những trường hợp không biết bác sĩ làm thủ thuật cho họ là ai, thậm chí khi quay lại “bắt đền” cơ sở thẩm mỹ thì không thấy cơ sở đó đâu nữa…”
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt- Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra rất nhiều. Các biến chứng có thể nhẹ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như: Sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng... Theo quan sát, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Điều quan trọng là khách hàng rất khó phân biệt được giữa các trung tâm, phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “Viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay để lựa chọn dịch vụ phù hợp.
Trong khi đó, tất cả các kỹ thuật trong làm đẹp, kể cả những kỹ thuật đơn giản như tiêm filler đến việc cắt mí, nâng mũi, phẫu thuật vùng bụng… đều phải được thực hiện bởi các bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa như: Chuyên khoa da liễu, chuyên khoa thẩm mỹ… có kiến thức chuyên sâu mới có thể đảm bảo an toàn tối đa. Vì chỉ những bác sĩ được đào tạo bài bản mới có thể lường trước được những biến chứng, tai biến có thể gặp phải khi thực hiện các dịch vụ can thiệp trong thẩm mỹ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, có “ba chốt an toàn” mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý, đó là: Chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ; bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ; và tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Đặc biệt, người dân cần sự tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào. Việc nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là “chốt an toàn” lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.