Sự cố bí ẩn, bệnh nhân chạy thận đành chấp nhận rủi ro

Sau những nỗ lực khắc phục, đánh giá lại quy trình chạy thận, mời chuyên gia, nhà sản xuất vào cuộc, thay mới thiết bị… đã gần nửa tháng nay, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tạm thời không còn hiện tượng bệnh nhân rét run khi đang chạy thận; nhưng hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, không loại trừ nguy cơ của các sự cố nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Người bệnh chạy thận tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Không có sự lựa chọn nào khác

Bắt đầu từ tháng 5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình liên tục xuất hiện hiện tượng bệnh nhân bị rét run khi đang chạy thận. Những biểu hiện bất thường này diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí có ngày tới 3-5 trường hợp bị, cao điểm là ngày 12/8 với 7 bệnh nhân đồng loạt có các triệu chứng trên khiến bệnh viện đứng ngồi không yên, tìm mọi cách khắc phục, còn người bệnh luôn trong tư thế có thể gặp sự cố nhưng cũng không biết chuyển đi đâu.

Đến khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, không khí tĩnh lặng bao trùm, gần như chỉ có tiếng máy móc chạy. Ca chạy thận thứ 3 trong ngày vẫn đang diễn ra như thường lệ, chỉ muộn hơn một chút vì từ khi xảy ra hiện tượng lạ, khâu kỹ thuật phải làm chặt chẽ hơn, sục rửa máy kỹ càng hơn… Các bệnh nhân nằm trong phòng cách ly với máy lọc máu và dây dợ chằng chịt quanh người. Với lịch trình 3 lần chạy thận/tuần, có những bệnh nhân đã gắn bó với nơi đây tới hàng chục năm nhưng gần đây lại luôn phải thấp thỏm khi được cảnh báo tình huống xấu có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Đang điều trị tại đây, bệnh nhân Đinh Xuân Sáu (68 tuổi, ở Hưng Hà, Thái Bình) đã từng bị hiện tượng rét run 2 lần, chỉ cách nhau khoảng 1 tuần.

Bà Trần Thị Hiền, vợ bệnh nhân cho biết: “Khi đang trong ca chạy thận thì chồng tôi bị sốt rét, ngay lập tức bác sĩ đến đo huyết áp và kiểm tra, sau khi được theo dõi khoảng 30 phút thì lại trở lại bình thường. Cách 1 tuần sau chồng tôi lại bị lặp lại lần nữa. Đã 2 năm chạy thận ở bệnh viện, gần đây chúng tôi mới thấy có sự cố này”.

Cũng theo bà Hiền, sau khi xuất hiện hiện tượng rét run ở bệnh nhân, trong thời gian bệnh viện cố gắng tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ cũng đã cảnh báo cho bệnh nhân biết tình hình nguy cơ xảy ra sự cố, khuyên bệnh nhân nếu xin chuyển được đi nơi khác thì nên chuyển nhưng gia đình vẫn ký cam kết tự nguyện xin ở lại.

“Gia đình tôi làm nghề nông, chồng ốm đau, cứ cách ngày lại vào viện, nên kinh tế rất khó khăn. Bây giờ bảo chuyển đi chúng tôi cũng không biết đi đâu nên đành ở lại, chấp nhận rủi ro, bởi nếu không được lọc máu sẽ nguy hiểm tính mạng”.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Lý, người nhà bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Cũng là một trong những bệnh nhân từng gặp sự cố rét run, bệnh nhân Trương Văn Lượng (33 tuổi ở Vũ Thư, Thái Bình) vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Bà Phạm Thị Lý, mẹ của bệnh nhân vẫn còn sợ khi nhắc tới hôm con gặp sự cố: “Vừa vào ca chạy được một lúc, con tôi kêu rét và sốt rét run lên khoảng mấy phút. Các bác sĩ phải cho dừng chạy để xử lý, rất may ngay sau đó con tôi đã ổn định trở lại và tới nay vẫn tiếp tục điều trị theo lịch. Biết là có nguy cơ ảnh hưởng nhưng bệnh viện đang rất cố gắng để khắc phục, các bác sĩ cũng luôn theo dõi sát sao, cẩn thận và ứng phó kịp thời nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào”.

Ông Lại Đức Trí, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết: “Từ đầu tháng 5, trong một số ca chạy thận tại bệnh viện có xuất hiện hiện tượng bệnh nhân bị rét run. Hiện tượng này trước đây chưa từng xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngay khi có các trường hợp bất thường, các bác sĩ của Khoa chạy thận nhân tạo đã báo cáo gấp lên Ban lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi đã phải chỉ đạo dừng chạy thận cho những bệnh nhân có biểu hiện không bình thường và tiến hành áp dụng các biện pháp xử lý, cấp cứu và tất cả các trường hợp đều ổn định”.

Theo thống kê của bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng bất thường trong quá trình lọc máu tính từ ngày 6/5 đến nay là 5%- 6%, một con số rất cao khiến tất cả y, bác sĩ, lãnh đạo khoa Thận nhân tạo và ban giám đốc bệnh viện đứng ngồi không yên. Bệnh viện đã phải thông báo tới người bệnh nguy cơ rủi ro, liên hệ các bệnh viện có khả năng tiếp nhận người bệnh ở đây nếu xảy ra sự cố, thậm chí khuyên bệnh nhân cứ chuyển đi nếu có thể… Tuy nhiên mới chỉ có 2 trong số hơn 200 bệnh nhân đang điều trị tại đây chuyển đi, hầu hết người bệnh đều cam kết ở lại điều trị.

Chú thích ảnh
Khoa Thận nhân tạo, nơi liên tiếp xảy ra hiện tượng bệnh nhân bị rét run.

Chưa rõ nguyên nhân

Ngay sau khi xảy ra triệu chứng bất thường của người bệnh, bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã chủ động rà soát toàn bộ quy trình chạy thận, kiểm tra tất cả các đầu mối, hệ thống nước, xử lý hóa chất... Tuy nhiên hiện tượng này vẫn rải rác xảy ra một cách khó lý giải.

Theo ông Lại Đức Trí, ngay thời điểm tháng 5, bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế). Đặc biệt, bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn chuyên gia xuống làm việc suốt 10 ngày để tìm phương án khắc phục. Theo ý kiến chuyên gia, bệnh viện đã khẩn trương thay toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước cũ chưa đạt yêu cầu; khử khuẩn, sục rửa trang thiết bị liên quan… Tuy nhiên sau đó tiếp tục cho bệnh nhân chạy lại, hiện tượng này vẫn tiếp tục, thậm chí phức tạp hơn. xuất hiện rải rác tại thời điểm xen kẽ, không có quy luật dù các chuyên gia đã cố tìm hiểu xem tình trạng bất thường của bệnh nhân rơi vào ca chạy, máy nào nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân; mọi biện pháp áp dụng đều chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, lâu nhất chỉ được 10 ngày. Gần đây nhất bệnh viện đã cho thay toàn bộ hệ thống quả lọc mới.

Với đủ mọi biện pháp đã thực hiện để kiểm soát, 14 ngày nay, bệnh nhân điều trị ở đây đã không còn hiện tượng bất thường nhưng các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và chưa dám khẳng định điều gì chắc chắn.

“Viện trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã xuống tận nơi làm việc, theo dõi và đưa ra định hướng tuân thủ thật tốt, kiểm soát chặt chẽ hệ thống nước trong chạy thận nhân tạo. Hệ thống đạt chuẩn nhưng nước RO là do mình sản xuất ra, nên phải tăng cường kiểm soát khâu này. Sắp tới bệnh viện sẽ xin kinh phí để đầu tư hệ thống chạy thận mới, nâng cấp chất lượng hệ thống, đảm bảo an toàn cho người bệnh”, ông Lại Đức Trí cho biết.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên
Hệ thống dẫn nước không đảm bảo là nguyên nhân sự cố chạy thận nhân tạo tại Nghệ An
Hệ thống dẫn nước không đảm bảo là nguyên nhân sự cố chạy thận nhân tạo tại Nghệ An

Sáng 5/8, tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An tổ chức họp báo cung cấp thông tin về sự cố chạy thận nhân tạo làm nhiều bệnh nhân bị sốc ngày 30/7 vừa qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN