Tổng cộng trong hai tháng 8 và 9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.400 ca mắc bệnh tay chân miệng, chiếm gần 70% số ca mắc bệnh này từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Dương, cho biết trong 9 tháng của năm 2018, Bình Dương ghi nhận trên 3.800 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 230 ca so với cùng kỳ năm trước, chưa có trường hợp tử vong. Trong những tháng đầu năm, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất thấp, trung bình mỗi tháng có khoảng 200 ca mắc. Tuy nhiên, trong hai tháng 8 và 9, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao.
Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, đa phần các trường hợp bị bệnh tay chân miệng ở Bình Dương là trẻ dưới 5 tuổi, tập trung ở các nhóm trẻ tư nhân. Những địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân như thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một chiếm gần 50% số ca mắc tay chân miệng trong toàn tỉnh. Nguyên nhân khiến các trường hợp bị bệnh tay chân miệng tập trung ở trẻ nhỏ trong các gia đình công nhân là do nhiều gia đình công nhân có trẻ nhỏ còn sống trong những khu nhà trọ điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông... Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có những diễn biến khác thường có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; để phòng bệnh, các phụ huynh nên thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%; hạn chế tình trạng ngậm tay ở trẻ nhỏ. Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh tay chân miệng cần cách ly trẻ với các trẻ khác, tránh trường hợp bệnh lây lan.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn bệnh tay chân miệng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp với các cơ sở y tế và cơ quan liên quan của địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong các trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.