Trước nguy cơ gia tăng bệnh tay, chân, miệng ở trẻ em trong thời điểm giao mùa, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đang chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 2/10, toàn tỉnh ghi nhận có 643 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (tăng 88% so với cùng kỳ năm 2017) với 60 ổ bệnh, trong đó trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi chiếm gần 85%. Cả 7/7 huyện, thành phố đều có trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng. Các mẫu bệnh phẩm gửi phân lập vi rút tại Viện Pasteur Nha Trang phát hiện 2 trường hợp dương tính với Enterovirus 71 (EV71) là chủng có độc lực cao dễ gây biến chứng nặng và tử vong.
Ông Nguyễn Nhị Linh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cho biết: Để chủ động phòng chống bệnh, chế thấp nhất số trường hợp mắc, không để bệnh dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành y tế Ninh Thuận phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý kịp thời 60 ổ bệnh; thực hiện xử lý triệt để, giám sát chặt chẽ những ổ dịch bệnh cũ không để bùng phát trở lại, nhất là những khu vực có đông trẻ em. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế để kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các biện pháp, kỹ năng phòng chống bệnh tay, chân, miệng tại trường học, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn; tổ chức vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt sàn nhà, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các chất tẩy rửa, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Các cơ sở giáo dục, hộ gia đình cung cấp đủ nước sạch, thực hiện ăn chín, uống sôi cho trẻ để phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó ngành y tế tăng cường giám sát, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại tất cả các bệnh viện và ở cộng đồng; chuẩn bị cơ sở sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng tới từng hộ gia đình, đặc biệt là các bà mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên các trường học.