PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị.
Đặc biệt, trong số đó đã có hơn 10 trường hợp nhiễm chủng vi khuẩn EV71. Tuy nhiên, những trường hợp này trẻ cũng không mắc phải những biến chứng quá nặng nề so với những năm trước.
Cũng theo PGS. Trần Minh Điển, số bệnh nhi mắc vi rút EV không nhiều, nhất là EV71. Đây là chủng vi rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: Thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim, viêm não… có thể gây tử vong nhanh.
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ, PGS. Trần Minh Điển cũng khuyến cáo tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi có nguy cơ mang mầm bệnh như chỗ đông người, trẻ khác nghi mắc bệnh; với trẻ bệnh cần xử lý cô lập phân, mũi dãi, chất nôn… của trẻ để đảm bảo không bị lây nhiễm sang các trẻ khác.
Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cha mẹ cần cho trẻ ở phòng thoáng khí, sạch, các bề mặt trẻ tiếp xúc như: Sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngủ… phải vệ sinh sạch sẽ.
Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện là: Sốt, phát ban, mụn nước ở lòng bàn tay, chân và mông, tổn thương loét ở miệng… Đây bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở những nơi như nhà trẻ, lớp mẫu giáo…
Theo các chuyên gia, có hai tác nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng đó là chủng vi rút CVA16 và EV71, trong đó tỷ lệ mắc tay chân miệng gây ra bởi EV71 thường thấp hơn nhưng dễ gây ra biến chứng nặng hơn.