Phòng, chống cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp trên trẻ nhỏ

Những ngày qua, thời tiết tại Yên Bái lạnh, thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm phát triển và lan truyền trong cộng đồng. Từ đầu năm 2025 đến ngày 6/2, toàn tỉnh ghi nhận gần 800 ca mắc cúm, tăng 137 ca so với cùng kỳ năm 2024.

Tại Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, từ đầu năm đến nay có gần 100 bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh cúm mùa. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 2 lần do viêm đường hô hấp. Để đảm bảo công tác khám, điều trị kịp thời cho bệnh nhi và sản phụ, tất cả khoa, phòng của Bệnh viện đều tăng cường nhân lực, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền.

Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Thị Thanh Liêm, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái cho biết, thời tiết lạnh, thay đổi thất thường khiến trẻ nhỏ dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh còn tái phát nhiều lần. Khoa Nhi thường xuyên tiếp đón bệnh nhi nhiễm cúm trong tình trạng sốt cao, ho, chảy mũi, tuy nhiên chưa ghi nhận ca bệnh có biến chứng nặng. Các bệnh nhi đều đáp ứng thuốc và được điều trị theo phác đồ từ 7 - 10 ngày.

Đưa con trai Trần Anh Khôi 6,5 tháng tuổi đến khám và điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, chị Vi Thị Tươi, ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ, cháu bị sốt cao, sổ mũi, khó ngủ, quấy khóc về đêm. Tối 30/1 (mùng 2 tháng Giêng), chị đưa cháu đến bệnh viện khám. Sau khi khám, bác sĩ kết luận cháu bị cúm cộng với viêm họng và viêm tai. Đến ngày mùng 6/2, cháu được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, ở nhà được một ngày cháu lại bị khó thở và tiếp tục sốt cao, chị Tươi cho cháu nhập viện lần 2 để điều trị dứt điểm. Đến nay, sức khỏe của cháu ổn định và có tiến triển, dự kiến vài ngày tới sẽ được xuất viện.

Từ 1/1 - 10/2, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái thăm khám cho gần 2.300 lượt; trong đó, có 1.265 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cúm mùa; tiêu chảy, viêm phổi, tai mũi họng…

Bác sĩ Chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái Trần Văn Quang cho hay, thời gian gần đây, tình trạng bệnh cúm mùa gia tăng trong cả nước, có một số ca biến chứng nặng. Tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, từ đầu mùa Đông đến nay chưa ghi nhận số lượng cúm mùa tăng đột biến và chưa có trường hợp cúm nặng phải điều trị hồi sức tích cực hay chuyển tuyến. Để chủ động phòng, chống bệnh, Bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện, hóa chất; đồng thời tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là, nhất là những người có nguy cơ cao như người già yếu, người mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, bệnh lưu hành quanh năm ở tất cả các nơi trên thế giới nhưng thường tập trung và có xu hướng lan rộng vào mùa Đông - Xuân. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp. Các triệu chứng phổ biến gồm sốt, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, chảy nước mũi. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Từ đầu năm 2025 đến ngày 6/2, Yên Bái ghi nhận gần 800 ca mắc cúm. Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải, huyện Trấn Yên, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Tỉnh ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ tại huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng, không có tử vong.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới, tình hình thời tiết thay đổi thất thường có thể dịch cúm tiếp tục tăng cao. Để đảm bảo các biện pháp phòng bệnh và sẵn sàng xử lý các ổ dịch lớn có thể xảy ra, ngành Y tế Yên Bái chủ động tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo ngay từ sớm. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát lại vật tư, hóa chất, trang thiết bị và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài bệnh cúm, còn một số dịch bệnh dễ xảy ra và bùng phát như sởi, tay chân miệng, viêm đường hô hấp… người dân cũng cần lưu ý phòng các loại bệnh này.

Giám đốc Sở Y tế Yên Bái khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh; giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân và rửa tay sạch sẽ trước, sau khi ăn, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Người dân nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Bài, ảnh: Đinh Thùy (TTXVN)
Chủ động ứng phó bệnh cúm
Chủ động ứng phó bệnh cúm

Thời tiết mùa đông - xuân ẩm thấp cùng với nhu cầu đi lại, giao thương và lễ hội tăng cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan. Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo và kêu gọi các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN