Theo các bác sĩ, chị N.H.Y, (37 tuổi, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba) mang thai lần 3, thai 39 tuần, đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường thai kỳ, đã từng phải lọc máu khi thai ở tuần 23. Khi lấy mẫu xét nghiệm, chỉ số mỡ máu của sản phụ tăng cao, gấp 10 lần so với bình thường.
Các bác sĩ Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đã hội chẩn điều trị với các chuyên khoa Nội tiết, Tim mạch và Gây mê chỉ định phẫu thuật lấy thai, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho cuộc phẫu thuật, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ và bé.
Sau 1 giờ, ca phẫu thuật thành công, bé gái nặng 5 kg chào đời khỏe mạnh trong niềm vui của toàn bộ ê kíp phẫu thuật và cả gia đình sản phụ. Hai mẹ con tiếp tục được bác sĩ theo dõi đường huyết liên tục đề phòng biến chứng hạ đường huyết sơ sinh.
Hiện, sau 7 ngày điều trị, các chỉ số xét nghiệm và vết mổ của chị Y đã ổn định, chị và bé được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II, Trịnh Thị Hồng Hiệp, Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết, đái tháo đường thai kỳ để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi, đây cũng là yếu tố nguy cơ mắc viêm tụy cấp, gây tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật, tăng huyết áp.
Đái tháo đường thai kỳ cũng gây nguy cơ sinh non, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và dị tật bẩm sinh nên phải sinh mổ. Do đó, phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Điều trị và kiểm soát đường huyết trong thai kỳ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.