Mổ khẩn cứu sống mẹ con sản phụ mắc bệnh hiếm gặp về tim có tỷ lệ tử vong cao

Sản phụ T.T.K.A (32 tuổi, TP Hồ Chí Minh) mang thai con đầu lòng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm ở tuần thai 36, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, phù chân, tăng huyết áp. Qua thăm khám, sản phụ A bị mắc bệnh cơ tim chu sinh, bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và nguy cơ chấm dứt thai kỳ.

Ngày 24/8, ThS.BS. Bùi Thị Xuân Nga, khoa Tim Mạch của Bệnh viện Quốc tế City cho biết, qua thăm khám, siêu âm tim và làm xét nghiệm đánh giá, phát hiện sản phụ K. A mắc bệnh cơ tim chu sinh với thất trái giãn lớn, chức năng co bóp kém.

Chú thích ảnh
Sau phẫu thuật 5 ngày, hai mẹ con sản phụ K.A đã hồi phục và được xuất viện. Ảnh: BV

Sản phụ có nguy cơ diễn biến nặng nếu tiếp tục thai kỳ đến ngày dự sinh. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, ê kíp bác sĩ gồm Sản khoa - Tim mạch - Gây mê hồi sức đã phối hợp hội chẩn, quyết định mổ lấy thai giúp mẹ và bé vượt qua hiểm nghèo. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khoẻ của hai mẹ con sản phụ K.A đều ổn định, khoẻ mạnh và sẽ được xuất viện.

Theo bác sĩ, bệnh cơ tim chu sinh là bệnh hiếm gặp, thường có tiên lượng rất nặng với tỷ lệ tử vong khá cao. Nếu phát hiện sản phụ có bệnh cơ tim chu sinh, phải cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để ổn định tình trạng bệnh lý nội khoa của mẹ. 

Các triệu chứng của bệnh gồm khó thở, mệt, phù ở mắc cá chân. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng thường xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Do đó, để chẩn đoán một bệnh nhân có dấu hiệu bệnh cơ tim chu sinh, bác sĩ luôn phải rất kỹ lưỡng trong thăm khám và theo dõi thai kỳ.

ThS. BS CKII. Lục Chánh Trí, trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, bệnh cơ tim chu sinh là bệnh hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng và phải được quản lý bởi các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm của nhiều chuyên khoa. Việc thăm khám tiền mê ở tuổi thai thứ 36 - 37 tuần để tầm soát các bệnh lý có thể gặp ở phụ nữ mang thai, giúp thai phụ và các bác sĩ chủ động phối hợp trong việc điều trị tốt nhất cho mẹ và bé.

Nguy cơ cao nhất của bệnh cơ tim chu sinh là ngưng tim trong thời gian mổ. Khi mổ, bệnh nhân phải chịu đựng một áp lực lớn của phẫu thuật, đồng thời cơ tim chịu sự thay đổi lớn trong thời gian mổ do chảy máu, vấn đề hồi lưu máu từ tử cung co hồi sau sinh. Vì vậy, việc quản lý dịch chu phẫu phải liên tục và tỉ mỉ để có kết quả thành công ở phụ nữ mắc bệnh cơ tim chu sinh nhằm bảo tồn chức năng cơ tim, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho sản phụ và bé.

“Với ca bệnh cơ tim chu sinh, việc lên kế hoạch gây mê chủ động, theo dõi huyết động liên tục, kết hợp giảm đau sau mổ hiệu quả bằng gây tê cơ vuông thắt lưng đem lại kết quả tốt cho ca mổ, giúp sản phụ hồi phục sớm. ”, bác sĩ Lục Chánh Trí chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu sản phụ có tiền căn bệnh cơ tim chu sinh trong thai kỳ trước, có dự định mang thai thì phải khám tim mạch để đánh giá lại tình trạng tim mạch tiền sản. Những trường hợp chức năng thất trái không phục hồi hoàn toàn có thể diễn tiến rất nặng trong thai kỳ tiếp theo. Đối với những trường hợp này, bác sĩ khuyên không nên mang thai. Những trường hợp mang thai có tiền sử bệnh cơ tim chu sinh cần theo dõi sát tình trạng tim mạch trong thai kỳ.

Đan Phương/Báo Tin tức
Cứu sống mẹ con sản phụ bị nhau bong non thể nặng hiếm gặp
Cứu sống mẹ con sản phụ bị nhau bong non thể nặng hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vừa tiến hành phẫu thuật kịp thời cứu sống cả mẹ và con, đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản cho một sản phụ bị nhau bong non thể nặng, xuất huyết tử cung nhau (còn gọi là hội chứng Couvelaire).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN