Ngày 12/9 Bệnh viện Quốc tế City (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã mổ thành công cắt khối u gan 10 cm cho bệnh nhi Nguyễn G. B., 11 tuổi (quận 6).
Các bác sĩ của bệnh viện cho biết, ban đầu bệnh viện có chút ngần ngại do gia đình bệnh nhi này thuộc giáo phái Giê-hô-va, không đồng ý truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhi. Nhưng sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ và Hội đồng Khoa học kỹ thuật nên Bệnh viện Quốc tế City đã quyết định phẫu thuật cho bé.
PGS. TS. BS. Nguyễn Tấn Cường cho biết, bệnh nhi đã được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện lớn để cứu chữa nhưng các bệnh viện đều từ chối vì điều kiện phẫu thuật không truyền máu. Nguyên nhân những trường hợp này thường gây khó khăn, sóng gió cho các cơ sở y tế nếu đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo của bệnh nhân. Ví dụ, nếu phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách nhưng không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào thay thế máu được, rất gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
“Đọc kết quả siêu âm và CT của bệnh nhi, trước khi vào viện và so sánh với kết quả chụp CT hiện tại, khối u của bệnh nhân đã tăng từ 7 lên 10 cm, có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều. Trước yêu cầu khẩn thiết của gia đình bệnh nhi và với lương tâm của người thầy thuốc, chúng tôi dốc hết tâm sức và chuyên môn của mình để cứu chữa, phẫu thuật cắt u gan cho bệnh nhi. Hơn hết, chúng ta cũng đã đáp ứng được yêu cầu của gia đình là niềm tin tôn giáo của họ, bệnh viện đã tận dụng hết khả năng chuyên môn để cứu bé Nguyễn. G.B ”, PGS. TS. BS. Nguyễn Tấn Cường cho biết thêm.
Cụ thể, trong hơn 2 tiếng đồng hồ, bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan. Đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã cắt. Trong suốt cuộc mổ, lượng máu mất khoảng 200 ml. Sau đó, bệnh viện đã dùng máy truyền máu hoàn hồi để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi.
Được biết, trước phẫu thuật, bệnh nhi được các bác sĩ cho uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ.
Để bảo đảm sức khỏe của bé, bệnh viện chủ động sử dụng máy truyền máu hoàn hồi là phương pháp dùng chính máu của người bệnh truyền qua một thiết bị là máy CELL - SAVER rồi truyền trả lại cho bệnh nhân. Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.