Trước đó, ngày 2/9 bệnh nhi N.M.P nhập viện trong tình trạng sốt, nổi bóng nước và được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 ngày sau đó bệnh nhi bị biến chứng rất nhanh dẫn đến tình trạng viêm cơ tim cấp, tụt huyết áp, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành đặt máy thở, máy trợ tim, máy nâng huyết áp, chạy lọc máu để cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhi.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Trọng Ngưỡng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Do trúng độc lực virus cao quá gây viêm cơ tim cấp, là thể rất nặng của tay chân miệng, nên bệnh biến chứng rất nhanh, các bác sĩ phải lọc máu 24 tiếng nhưng bệnh nhi vẫn chưa ổn định, men tim tiếp tục tăng, huyết áp không ổn định, tim co bóp rất yếu. Các bác sĩ đã phải hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh về việc dùng máy trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, do bệnh nhi quá nhỏ, diễn biến bệnh phức tạp nên không thể đặt ECMO được mà phải tiếp tục cho dùng thuốc chuyên dụng nâng huyết áp, nâng mạch, cho thở máy và lọc máu. Trường hợp này nếu nhập viện chậm trễ nguy cơ tử vong là 100%.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân, bệnh tay chân miệng là loại bệnh diễn biến rất nhanh, nếu không để ý kỹ sẽ nhanh chóng xảy ra biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hơn nữa, người dân thường chủ quan với bệnh tay chân miệng, chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã nặng hoặc biến chứng nên rất khó khăn trong việc điều trị. Trường hợp trẻ mắc tay chân miệng có những dấu hiệu như sốt cao liên tục, giật mình, nằm li bì, thở nhanh, gấp... thì phải đưa trẻ nhập viện điều trị khẩn cấp, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hiện, bệnh nhi đã được giảm bớt thuốc trợ tim, cai máy thở. Sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, tim đập tốt, huyết áp tốt, bệnh nhi tự thở được và có thể xuất viện trong vài ngày tới.