Hiện đang là "mùa" của bệnh tay chân miệng,số lượng trẻ mắc bệnh có dấu hiệu tăng và nhiều trẻ có biến chứng nặng.
Theo Ths. BS. Phạm Thu Nga, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Có Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là gây tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như: Niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do vi rút EV71.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Triệu chứng nhận biết:
- Bệnh khởi phát trong vòng từ 1-2 ngày với các triệu chứng như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát, bệnh có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình như: Trẻ bị loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; những vết phỏng sẽ tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm; sốt nhẹ, nôn.
- Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều rất dễ có nguy cơ biến chứng.
- Nếu không có biến chứng, thường trẻ sẽ hồi phục sau 3-5 ngày
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà:
– Nếu bệnh nhẹ, có thể chăm sóc trẻ tại nhà với các biện pháp điều trị như: Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt.
- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu
- Theo dõi sát và đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nặng như: Sốt cao liên tục, mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, vã mồ hôi, lạnh toàn thân; thở nhanh, thở bất thường như: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
Cách phòng bệnh:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Nếu trẻ bị bệnh phải cách ly trẻ tại nhà.