Đây là lần đầu tiên, Sở Y tế Thành phố tiến hành đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đang hoạt động trên địa bàn.
Cụ thể, 3 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đạt đa số tiêu chuẩn chất lượng thiết yếu là: Phòng khám bác sỹ Lê Hành (quận 10), Phòng khám bác sỹ Lê Hoàng Vĩnh (huyện Bình Chánh) và Phòng khám bác sỹ Đỗ Quang Hùng (quận 6). Trong số 128 phòng khám còn lại, đa số chưa đạt các tiêu chuẩn chất lượng thiết yếu; đặc biệt có đến 115 phòng khám chỉ đạt rất ít tiêu chuẩn chất lượng thiết yếu.
Các lỗi chủ yếu mà các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thường gặp là: thực hiện quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn mà phòng khám được phép thực hiện; chưa thực hiện hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế hoặc hồ sơ bệnh án chưa được ghi chép đầy đủ; chưa thực hiện quy trình kỹ thuật thực hiện tại phòng khám, một số phòng khám xây dựng quy trình có sử dụng phương pháp vô cảm là gây mê, vượt quá phạm vi của phòng khám. Ngoài ra, hầu hết các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ chưa chú trọng vào công tác cấp cứu người bệnh, đặc biệt là cấp cứu trong tình trạng nguy kịch (không có thuốc cấp cứu phản vệ, thuốc cấp cứu chuyên khoa, trang thiết bị cấp cứu cơ bản…).
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mục đích của việc đánh giá chất lượng đầu tiên chủ yếu là để chỉ ra những điểm chưa đúng, chưa thực hiện và hướng dẫn cho các phòng khám phấn đấu thực hiện. Sở Y tế yêu cầu tất cả các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tiếp tục khắc phục và hoàn thiện các tiêu chí chất lượng trong thời gian tới. Những phòng khám chỉ đạt một số ít tiêu chí chất lượng sẽ được đánh giá lại lần hai trong năm 2019. Trong lần đánh giá lại lần hai, nếu phát hiện các tiêu chí còn ở mức thấp, Sở Y tế sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng 12 tiêu chí chất lượng dành riêng cho phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đang hoạt động trên địa bàn thành phố. 12 tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa những quy định và các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật khám bệnh, chữa bệnh; các thông tư triển khai về Luật; những yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật và những yêu cầu về chất lượng phục vụ… nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.