Thiết bị nêu trên sử dụng công nghệ vi mô để phát hiện các tế bào vi khuẩn đơn lẻ, có thể được quan sát sau đó dưới kính hiển vi điện tử. Phương pháp này cho phép các bác sĩ xét nghiệm xác định liệu có vi khuẩn nào tồn tại trong bệnh nhân hay không và xác định mức độ nhảy cảm với kháng sinh trong chưa đầy 30 phút thay vì phỉa mất từ 3-5 ngày như hiện nay.
Không chỉ có khả năng phát hiện vi khuẩn, thiết bị này còn có thể phân loại vi khuẩn thông qua việc xác định các tế bào này là hình cầu, hình que hay xoắn ốc. Sau khi tìm thấy vi khuẩn, mẫu vi khuẩn đó sẽ được thử với kháng sinh để xem chúng có kháng thuốc hay không bởi nếu trường hợp này xảy ra, việc can thiệp kháng sinh sẽ không hiệu quả.
Giáo sư công nghệ sinh học Pak Kin Wong, đồng chủ trì công trình nghiên cứu trên, cho biết trên thực tế hiện nay là các bác sĩ đều kê đơn thuốc kháng sinh ngay cả khi người bệnh không nhiễm vi khuẩn. Đơn cử như nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất.
Tuy nhiên, trên 75% mẫu xét nghiệm nước tiểu được gửi đến các phòng xét nghiệm vi sinh đều cho kết quả âm tính. Do đó, việc loại trừ nhanh chóng hoặc xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn sẽ giúp cải thiện đáng kể việc chăm sóc bệnh nhân.
Công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành Proceedings of the National Academy of Sciences số ra ngày 6/5. Giáo sư Pak Kin Wong cho biết nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời, đồng thời hy vọng có thể đưa thiết bị - mà họ hy vọng có thể thu nhỏ kích thước để sử dụng trong các bệnh viện và phòng khám, ra thị trường trong vòng 3 năm.