Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống trường hợp bệnh nhi N.Q.V (10 tuổi, ở Phú Thọ) bị suy tim nặng do vi khuẩn rất hiếm gặp.
Trước khi vào viện, bệnh nhi bị sốt kéo dài tới 3 tuần, đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã trong tình trạng sự sống chỉ còn tính bằng giờ.
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Qua siêu âm, thăm khám, các bác sĩ nhận thấy van động mạch chủ của tim bệnh nhi N.Q.V. bị tổn thương cực nặng do vi khuẩn tạo thành khối sùi đã ăn mòn hết. Bệnh nhi có hiện tượng biến chứng dọa phù phổi, có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Với trường hợp của cháu V., theo các bác sĩ, nguyên nhân được xác định là do bị vi khuẩn xâm nhập máu trên nền bệnh tim bẩm sinh dẫn đến vi khuẩn khu trú ở van động mạch chủ. Đặc biệt chức năng của van động mạch chủ là giúp dòng máu bơm từ tim chảy một chiều, ngăn không cho máu trào ngược về tim. Vì vậy, khi lá van này bị hỏng, máu bị trào ngược gây áp lực rất lớn lên buồng tim trái gây suy tim, cũng là nguyên nhân gây phù phổi.
Khó khăn ở chỗ, bệnh nhi còn nhỏ, lại không có sẵn vật liệu để thay hoàn toàn van động mạch chủ; các phương pháp trước đó như sử dụng chính màng tim của đứa trẻ để tạo lá van cũng không thể thực hiện được. Trước tình thế nguy cấp đó, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật dù cơ hội sống sót không thể nói trước. Đây cũng là trường hợp phức tạp chưa từng gặp trước đó. Rất may, khi xuất hiện ca bệnh phức tạp này, các bác sĩ đã được gặp đoàn chuyên gia của đại học California (Mỹ) để trao đổi và được hỗ trợ chuyên môn.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, trước khi “cân não” quyết định phẫu thuật cho cháu V., Trung tâm Tim mạch trẻ em đã phải liên hệ gấp với các đơn vị cung cấp van tim thay thế để tìm loại van nhỏ nhất có thể. Rất may, sau gần 30 phút liên hệ, đơn vị cung cấp đã tìm được và van thay rất vừa vặn.
“Ca mổ kéo dài từ đầu giờ chiều cho tới nửa đêm căng thẳng và đã thành công. Chỉ sau một ngày hồi sức hậu phẫu, bệnh nhi đã hồi phục rất nhanh, rút được ống khí quản. Hiện sau xuất viện hơn 2 tuần, cháu V. đã khỏe mạnh, qua kiểm tra cho thấy van được thay đã hoạt động khá tốt. Nếu bệnh nhân ổn định có thể duy trì lá van thay đến khi trưởng thành (khoảng 18- 19 tuổi), khi cân nặng của bệnh nhân đến khoảng trên 60kg thì sẽ phải mổ để thay lại; tuy nhiên lúc đó bệnh nhân đã trưởng thành thì việc thay thế đơn giản hơn rất nhiều.
Sau khi xử lý thành công ca bệnh phức tạp này, ngay sau đó, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch cũng thực hiện được 3 ca tương tự và đều đã ổn định, nâng trình độ phẫu thuật các bệnh lý tim bẩm sinh của Việt Nam lên ngang tầm với các Trung tâm lớn của khu vực và trên thế giới”, BS. Trường cho biết.
Qua trường hợp này, BS. Trường cũng lưu ý, khi thấy trẻ sốt kéo dài từ 5 ngày trở lên, nhất là với trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh cần đưa trẻ tới bệnh viện để theo dõi, phát hiện các bệnh lý gây tổn thương, nhất là nhiễm trùng máu. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ thay răng hay bị mọc mụn... không nên tự ý mua thuốc ở ngoài cho con uống mà trẻ cần được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Các cha mẹ cũng cần chú ý nhận biết các dấu hiệu của trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh như: Chậm tăng cân, khi trẻ vận động nhanh dễ bị xuống sức, yếu. Đặc biệt khi trẻ ngủ thường có biểu hiện vã mồ hôi nhiều thì cần đưa trẻ đi khám tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh.