Theo nghiên cứu mới, việc bổ sung vitamin có thể giúp phòng ngừa cảm cúm. |
Đó là đánh giá của các nhà khoa học thuộc Đại học Queen Mary ở London trong nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí y khoa BMJ của Anh ngày 15/2.
Sau khi khi thông kê số liệu của 25 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên gần 11.000 người tại 14 quốc gia, dù thu được các kết quả khác nhau, nhưng nhóm nhà khoa học nhận thấy "bằng chứng chắc chắn đầu tiên" về mối liên hệ giữa vitamin D và việc phòng chống cảm, cúm.
Việc bổ sung hợp chất này phát huy hiệu quả tốt nhất đối với những người có lượng vitamin D hấp thụ thấp nhất và khi thường xuyên bổ sung hàng ngày, hàng tuần thay vì chỉ khi được bác sĩ kê đơn. Nhiều người, đặc biệt ở tầm trung niên, sống tại các khu vực nhiều mây bao phủ, thường ở trong tình trạng thiếu vitamin D.
Các nhà khoa học còn phát hiện một số dấu hiệu có thể giúp lý giải vì sao việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng phát huy tác dụng ở một số cuộc thử nghiệm lâm sàng, song một số cuộc thử nghiệm khác lại không cho kết quả. Có nhiều nghiên cứu khoa học trong những năm qua đưa ra các kết luận trái ngược nhau.
Một số cho rằng tỷ lệ vitamin D thấp làm tăng nguy cơ rạn xương, bệnh về tim mạch, ung thư kết trực tràng, bệnh tiểu đường, huyết áp, bệnh suy giảm trí nhớ Alzheime và thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong. Một số khác lại cho rằng không có bằng chứng về mối liên hệ giữa vitamin D với các nguy cơ bệnh tật này.
Hai nhà khoa học Mark Bolland và Alison Avenell cho rằng nên xem nghiên cứu này như một giả thuyết cần có sự kiểm chứng khoa học chuyên sâu hơn.
Vitamin D là hợp chất hữu cơ thường có trong một số loại thực phẩm và có thể được cơ thể tự tổng hợp khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Loại vitamin này thường được cho là có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường hô lấp, gồm viêm phế quản, viêm phổi khi giúp tăng cường hệ miễn dịch ở phổi.