Tìm được “cọc” vớt
Nhìn người thanh niên 30 tuổi gầy rạc, khuôn mặt hốc hác, tiều tụy sau lớp khẩu trang đến nhận thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), đủ thấy sức tàn phá của ma túy kinh khủng như thế nào!
Thi thoảng lại cúi xuống, chớp mắt liên tục, anh T.M.H. (ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) đầy hối hận khi kể về quãng thời gian sai lầm vì sa vào con đường nghiện ngập.
“Tôi là con út trong nhà, sức khoẻ yếu, nên từ nhỏ, lúc nào cũng được cả nhà chiều chuộng. Bởi vậy, khi bạn bè rủ rê, tôi đã lao vào ma tuý và sinh ra hư hỏng. Tôi đã từng bị bắt, phải đi cai nghiện tập trung, nhưng rồi vẫn tái nghiện”, H. kể.
Nhà vốn nghèo, nhưng mỗi ngày H. phải bỏ ra vài trăm đến 1 triệu đồng để mua ma tuý sử dụng. Phải tìm mọi cách để có đủ tiền thỏa cơn thèm, nên H. không từ việc gì, từ lấy trộm tiền của gia đình, đến ăn trộm nhiều thứ của hàng xóm… khiến ai cũng ghét và xa lánh. Trượt dài hơn thế, H. từng mang heroin từ Long An về Sa Đéc, nên bị bắt đi tù 1 năm 6 tháng. Những ngày trong tù, H. bị “vật” heroin, nên đã thấm sợ.
Sau khi ra tù, năm 2015, H. thấy có người bạn uống Methadone hiệu quả, rời bỏ được ma túy, nên cũng liên hệ y tế để được uống thuốc và thấy không hối hận khi Methadone đã khiến cuộc đời anh thay đổi.
“Giờ tôi muốn làm lại cuộc đời, được uống thuốc Methadone, tôi đã bỏ được ma tuý, tôi quay về cuộc sống tử tế, chăm chỉ trồng dừa, xoài, sầu riêng và đã có một cuộc sống ổn định”, H. chia sẻ.
Cũng quay đầu làm lại sau quãng đời tối tăm vì ma túy, anh L.V.P (44 tuổi, ở Long Xuyên, An Giang) hiện đã trở thành một người chồng, người cha chăm chỉ làm ăn, lo cho gia đình.
Trước đây, khi lao vào con đường nghiện ngập ma túy, anh P. mặc kệ vợ con khuyên nhủ, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng mỗi ngày anh vẫn mất tới 600.000 đồng cho việc sử dụng ma túy.
“Khi lên cơn nghiện ma túy, tôi bất chấp. Hồi đó, tôi đã ở mức mỗi ngày dùng tới 3 'cữ', mỗi cữ khoảng 200.000 đồng. Tối ngày không làm được gì, chỉ lo xoay tiền thỏa cơn nghiện, ma túy khiến tôi tàn tạ, chỉ còn 48 kg. Vẫn biết cuộc sống tủi nhục, nghiện ngập khiến vợ con, gia đình lục đục, nhưng tôi không thoát ra được, đó là giai đoạn đen tối của cuộc đời...”, anh P. chia sẻ.
Năm 2013, nghe lời vận động của địa phương và nhân viên y tế, anh P. bắt đầu tham gia điều trị Methadone.
“Khi sử dụng Methadone, cơ thể tôi không còn nhu cầu sử dụng ma túy nữa. Tinh thần thoải mái hơn, không phải lo lắng xoay tiền để mua ma túy sử dụng, tôi khỏe lên nhanh, hiện đã tăng lên được hơn 60 kg. Thời gian đầu điều trị Methadone, cũng đã có lần tôi đã sử dụng lại ma túy, nhưng trong vòng 5-6 năm trở lại đây, tôi đã xóa hẳn được cơn nghiện. Liều sử dụng Methadone cũng được giảm dần khi tôi bỏ được ma túy”, anh P. cho biết.
Nhà cách điểm uống thuốc Methadone ở Trung tâm Y tế Thành phố Long Xuyên (An Giang) chỉ 2 km, tiện cho việc đến uống thuốc hàng ngày. Đến nay đã 11 năm, anh P. tuân thủ điều trị, bất kể ngày nắng, ngày mưa, anh vẫn đến uống thuốc đều đặn. Hàng tháng, nhân viên y tế tại đây đều có phỏng vấn về đáp ứng thuốc để cân đối liều lượng, giảm dần liều phù hợp cho anh.
Anh cởi mở “khoe”: “Hiện tôi đang buôn bán tự do, có thu nhập, không phải tốn tiền cho ma túy, không phải chui lủi, bị kỳ thị nghiện ngập. Cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Thấy hiệu quả, nên tôi theo đuổi dùng thuốc Methadone tới bây giờ”.
Nâng cao hiệu quả điều trị bằng Methadone
Việc quản lý điều trị bằng Methadone đã góp phần đáng kể trong công tác phòng chống HIV tại các địa phương, nhất là khu vực điểm nóng HIV như đồng bằng sông Cửu Long.
BS. Nguyễn Tấn Minh, Trưởng Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, Trung tâm y tế Thành phố Sa Đéc cho biết: “Mỗi ngày, tại đây có gần 100 bệnh nhân đến uống Methadone điều trị nghiện. Có 100% bệnh nhân đến đây đều đáp ứng điều trị, các bệnh nhân không còn thèm ma túy, nên sức khoẻ tốt hơn, tăng cân, tìm được việc làm ổn định, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Đã có những bệnh nhân được giảm liều điều trị nhờ đáp ứng tốt”.
Theo đó, các bệnh nhân đến điều trị nghiện bằng Methadone đều được khám định kỳ, khai thác các thông tin về khả năng thích ứng với liều thuốc điều trị, từ đó quyết định duy trì tăng hay giảm liều… để tăng hiệu quả thuốc.
Về khó khăn trong quản lý điều trị Methadone hiện nay, theo BS. Nguyễn Tấn Minh, phần mềm điều trị Methadone vẫn còn chưa thông suốt, khiến các bệnh nhân gặp khó khăn khi di chuyển đến những nơi khác để được điều trị Methadone tạm thời. Nếu có phần mềm thông suốt, bệnh nhân đã được quản lý điện tử và chỉ cần ”check in” ở nơi đến, đảm bảo hiệu quả điều trị.
Theo đại diện Trung tâm y tế Thành phố Long Xuyên, tại tuyến cơ sở quản lý điều trị nghiện bằng Methadone cũng gặp một số khó khăn như: Tình hình bỏ điều trị Methadone cao; nhiều bệnh nhân sử dụng thêm ma túy đá trong quá trình điều trị làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nhiều người tự ý bỏ điều trị vì nhu cầu tìm việc làm, nhất là khi đã được điều trị ổn định. Bên cạnh đó, nhiều người nghiện cũng chưa nhận thức đúng đắn về điều trị Methadone; ở xa cơ sở điều trị, đi lại khó khăn. Thậm chí, nhiều người khi điều trị hiệu quả, được giảm liều Methadone, sức khỏe tốt hơn cũng tự ý bỏ điều trị…
Về việc có thể cấp thuốc Methadone tại nhà cho người điều trị nghiện, theo BS. Nguyễn Tấn Minh, cách làm này thuận lợi cho người bệnh, nhưng cấp thuốc như vậy sẽ phải kiểm tra, đối chiếu việc bệnh nhân uống thuốc, trong khi nhân lực ở tuyến cơ sở còn thiếu, không có người kiểm tra. Chưa kể, thuốc điều trị cũng phải đảm bảo việc bảo quản…
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến ngày 30/3/2024, cả nước có 50.851 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại 343 cơ sở điều trị, tại 63 tỉnh/thành phố.
Việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đã đem lại hiệu quả như: Cải thiện sức khoẻ của người bệnh, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần cho người bệnh. Đặc biệt, việc điều trị nghiện cũng đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng, giúp phát triển kinh tế, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế cho người nghiện ma tuý.
Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai Đề án duy trì và mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Tính đến ngày 30/1/2024, tổng số bệnh nhân được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày khoảng 3.000 bệnh nhân, tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An.