Nhân viên làm việc tại trạm y tế khó được học nâng cao tay nghề

Công việc tại trạm y tế nhiều, các trường công lập chưa có lớp đào tạo nâng cao trình độ cho y sĩ, còn các trường tư mở lớp đào tạo nhưng học phí quá cao… là những rào cản khiến các nhân viên y tế đang làm việc tại các trạm y tế khó được nâng cao tay nghề cũng như trình độ chuyên môn.

Ngày 20/12, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND Quận 8 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chú thích ảnh
Người dân đến khám sức khỏe tại trạm y tế.

Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Cấn Thị Như Vy, Trưởng trạm y tế Phường 7 (Quận 8) cho biết, hiện nay trạm có 7 nhân sự nhưng đang chăm sóc sức khỏe cho hơn 40.000 dân, trung bình mỗi một người "gồng gánh" khoảng 5 chương trình lớn nhỏ khác nhau. Bên cạnh đó, đặc thù của dân số trên địa bàn phường có nếp sống sinh hoạt như ở nông thôn nên hàng năm vào mùa dịch sốt xuất huyết, Phường 7 luôn đứng đầu số ca mắc trên địa bàn Quận 8.

“Hiện nay, các nhân viên y tế của trạm vẫn có thể gồng gánh được nhưng khi công việc dồn về một lúc thì cực kỳ quá tải. Đặc biệt, nếu như dịch bùng phát như những năm trước thì thực sự rất khó gồng gánh. Theo tôi, cần phải phân bổ nhân sự tại trạm dựa trên mật độ dân số”, bà Vy kiến nghị.

Bên cạnh đó, bà Cấn Thị Như Vy cũng chia sẻ, hiện tại trạm có 2 y sĩ muốn được học nâng cao trình độ lên bác sĩ nhưng chưa thể đi học được bởi các trường công lập hiện chưa có trường nào mở lớp đào tạo, còn các trường tư thì học phí quá cao.

Bà Cấn Thị Như Vy cho rằng, lực lượng y sĩ là lực lượng rất quan trọng. Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có 312 trạm y tế, trong đó có nhiều y sĩ, vì vậy cần phải mở thêm các lớp đào tạo và có thêm nhiều chính sách đãi ngộ cho lực lượng này. Bên cạnh đó, còn rất nhiều chức danh như điều dưỡng, nữ hộ sinh, bác sĩ y học dự phòng cần phải bổ sung vì đây đều là nguồn lực quan trọng.

Đồng quan điểm, Trưởng trạm y tế Phường 8 (Quận 8) cũng cho biết, các bác sĩ ở trạm cũng rất mong muốn được học tập nâng cao tay nghề nhưng số lượng công việc tại trạm rất nhiều nên việc học nâng cao tay nghề là điều khó có thể. Hiện nay, trạm chỉ có 6 nhân sự thay vì 9 nhân sự như trước đó. Số lượng nhân sự giảm đồng nghĩa với việc nhân viên ở trạm phải phụ trách thêm rất nhiều chương trình.

Về vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong khi chờ đợi thay đổi chính sách về đào tạo thì trước mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng đào tạo miễn phí cho các bác sĩ đang công tác tại Quận 8. Bên cạnh đó, trạm y tế có thể đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy đỡ đầu hoặc các bệnh viện hạng 1 trở lên đỡ đầu về mặt chuyên môn, thậm chí cử bác sĩ xuống trực một ngày tại trạm. 

Kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề liên quan đến củng cố y tế cơ sở là nội dung Quốc hội quan tâm. Trong đợt giám sát này, đoàn quan tâm đến việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, trước mắt phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng như một số dịch bệnh khác nhằm không bị động trong công tác phòng, chống dịch.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Cần mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế
TP Hồ Chí Minh: Cần mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế

Để thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế tuyến cơ sở, trong những năm qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các trạm y tế không đủ thuốc cần thiết cho công tác khám chữa bệnh khiến cho người dân vẫn chưa “mặn mà” khi đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN