Người dân cần tuân thủ phòng dịch để đón Tết an toàn

Chuyên gia y tế nhận định, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Hà Nội sẽ còn tiếp tục tăng, kéo dài. Để tránh bùng dịch mạnh, dịp Tết sắp tới, người dân cần tuân thủ phòng dịch, hạn chế di chuyển, tụ tập.

Chú thích ảnh
Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở nơi công cộng. Ảnh: TTXVN

Số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng

Những ngày gần đây, số ca F0 Hà Nội đang tăng mạnh, con số mắc hàng ngày đã lên vượt mốc 2.000 ca. Cụ thể, ngày 5/1 có 2.506 ca; ngày 4/1 có 2.578 ca... số ca nhiễm mới ghi nhận đều tại tất cả các quận, huyện của Thành phố.

Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 5/12, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 60.192 ca mắc. Đặc biệt từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP(từ ngày 11/10) đến nay, Hà Nội có 55.885 ca nhiễm SARS-CoV-2 (trung bình 627 ca/ngày). 

Tính đến hết ngày 5/1, Hà Nội có tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 35.547 ca; trong đó có 25.792 F0 điều trị tại nhà; tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27/4 đến nay) là 200 người.

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 của Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Với tình hình như hiện nay, số ca F0 của Hà Nội sẽ vẫn còn tăng và dịch có thể kéo dài một thời gian nữa; bởi dịch đang lây lan trong cộng đồng, tuy đã triển khai cách ly, các biện pháp nhưng số nhiễm vẫn đang tăng lên. Tốc độ lây lan dịch của Hà Nội trong giai đoạn gần đây khá mạnh; con số mắc càng lớn, tốc độ tăng càng nhanh”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong bối cảnh hiện nay, với việc đã phủ vaccine, Hà Nội cơ bản chỉ cần chú ý tới số người phải nằm viện; không cần quá chú ý tới con số mắc; thậm chí, việc phân loại F1, F2 hiện nay cũng không còn quan trọng. Hiện rất nhiều người nhiễm nhưng không triệu chứng, chỉ xét nghiệm mới ra dương tính.

Bên cạnh đó, tuy số mắc tăng cao, nhưng cơ bản tỷ lệ tử vong không tăng thì cũng không đáng lo ngại. Quan trọng nhất hiện nay là cần quan tâm tới nhóm nguy cơ chuyển nặng như: Người già, người có bệnh nền, người không được tiêm được vaccine, phụ nữ có thai, trẻ em… Hệ thống y tế cần tập trung vào những người có triệu chứng, điều trị tích cực cho các ca nặng để giảm tử vong.

Người dân cần biết tự bảo vệ mình

Tết Nguyên đán đang tới gần, nhiều hoạt động tập trung diễn ra, người dân đi lại, giao lưu nhiều có thể sẽ khiến dịch bùng phát mạnh hơn; nhất là số ca nhiễm quá cao cũng kéo theo số ca nặng tăng lên, gây quá tải hệ thống y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cảnh báo: Hiện người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Đặc biệt, một số người tâm lý cho rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không mắc bệnh và không lây truyền cho người khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch lây lan mạnh.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng: Trong bối cảnh người dân đã tiêm tương đối đủ các mũi cơ bản và nhiều người đã được tiêm mũi 3; chúng ta cần tập trung bảo vệ những người yếu, có bệnh nền, người không tiêm được… còn những người khỏe, người đã được tiêm cần có ý thức biết tự bảo vệ mình. Ý thức của người dân lúc này rất quan trọng.

“Đặc biệt dịp Tết sắp tới, người dân cần thay đổi thói quen chúc Tết, thực hiện nghiêm 5K chính là tránh tụ tập đông người, không nên đến nhà nhau chúc Tết; không nên tổ chức liên hoan, ăn uống, nhất là những người đi về từ vùng dịch. Nếu không có việc gì quan trọng, người dân không nên di chuyển. Không nên để vì mấy ngày Tết mà ảnh hưởng cả năm”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Trước tình hình số ca mắc ngày càng tăng nhanh, theo Sở Y tế Hà Nội, Thành phố hiện đã có kế hoạch hạn chế ca mắc COVID-19. Trong đó, có đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc thực hiện 5K không tập trung đông người, hạn chế di chuyển nếu không thực sự cần thiết…

Cùng với thực hiện các biện pháp phòng dịch, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, thực hiện tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn, quan tâm tới việc bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh hiểm nghèo kể cả trong vấn đề tiêm vaccine và cả trong điều trị. Đồng thời, thực hiện phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyển tuyến kịp thời, để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội là 1 trong 5 địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19 tích lũy cao nhất
Hà Nội là 1 trong 5 địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19 tích lũy cao nhất

Trong đợt dịch thứ tư, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 6/1/2022, Việt Nam ghi nhận 1.811.863 ca mắc COVID-19 ở cả 63 tỉnh, thành phố. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất là: TP Hồ Chí Minh 505.971 ca, Bình Dương 291.127 ca, Đồng Nai 98.286 ca, Tây Ninh 79.699 ca, Hà Nội 56.937 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN