Người bệnh hài lòng đối với khối bệnh viện ở Hà Nội đạt trên 97%

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh quý II/2024 đối với khối bệnh viện (41/42 bệnh viện công lập và 40/43 bệnh viện ngoài công lập) cho thấy, tỷ lệ trung bình mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân là 97,2%.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo nhân lực chất lượng cao chuyên ngành truyền nhiễm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân Thủ đô. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Trong đó, khối bệnh viện công lập là 96,06% (cao hơn quý I/2024 là 1,6%). Cụ thể: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có tỷ lệ hài lòng cao nhất với 99,35% và thấp nhất là Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì 82,04%.

Ở khối bệnh viện ngoài công lập, tỷ lệ hài lòng là 98,38%. Trong đó, cao nhất là: Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và nam học Đức Phúc, Bệnh viện Đông Đô, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành, Bệnh viện Đa khoa Hồng Phát, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà (100%); thấp nhất là: Bệnh viện Hy vọng với 90%. Tổng điểm trung bình của người bệnh nội trú khối công lập là 4,4, ngoài công lập là 3,82; người bệnh ngoại trú khối công lập là 4,46, ngoài công lập là 4,49.

Đối tượng được khảo sát là người bệnh nội trú hoặc người nhà người bệnh (với bệnh nhi) đến khám và điều trị tại bệnh viện ở tất cả khoa lâm sàng; người bệnh ngoại trú/người nhà đến khám và điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế. Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú theo 5 nhóm tiêu chí gồm: Khả năng tiếp cận; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ.

Sở Y tế đã tổng hợp, phân tích kết quả khảo sát người bệnh ngoại trú đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm cấp cứu 115 với tỷ lệ hài lòng trung bình là 95,76%. Trong đó, cao nhất là Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa (98,92%) và thấp nhất là Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Trung tâm cấp cứu 115 (91,5%).

Bên cạnh đó, qua đánh giá khảo sát sự hài lòng của người bệnh cũng cho thấy, một số cơ sở y tế cả trong và ngoài công lập vẫn gặp khó khăn như: Một số bệnh viện công lập cơ sở vật chất xuống cấp hoặc đang có dự án cải tạo, sửa chữa nên cảnh quan chưa sạch đẹp. Nhiều đơn vị nhà vệ sinh chưa sạch. Với các bệnh viện ngoài công lập, một số đơn vị diện tích nhỏ, thiếu căng tin và chỗ để xe cho người bệnh. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, nhiều phòng khám đa khoa xuống cấp hoặc đang trong quá trình sửa chữa, trang thiết bị y tế cũ, thiếu bác sĩ chuyên khoa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh.

Trên cơ sở đánh giá về sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, các đơn vị tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp của người bệnh, nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng của người bệnh cao hơn trong những quý tiếp theo.

Tuyết Mai (TTXVN)
Ít bệnh viện triển khai bệnh án điện tử
Ít bệnh viện triển khai bệnh án điện tử

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, trong đó người đứng đầu giữ vai trò quyết định. Trong đó, toàn ngành y tế phải đẩy mạnh thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Tuy nhiên, hiện nay mới có ít bệnh viện triển khai được việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN