Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu là một chương trình nghiên cứu được thực hiện trên toàn thế giới, với sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu từ hầu hết các quốc gia. Nghiên cứu đã phân tích tác động của 34 yếu tố nguy cơ và xác nhận lại thông tin đã được biết đến rộng rãi trước đó, rằng việc hút thuốc lá cho đến nay vẫn là yếu tố lớn nhất góp phần gây ra ung thư - chiếm 33,9% các trường hợp, tiếp theo là rượu với 7,4%. Hơn 50% số ca tử vong do ung thư của nam giới là do các yếu tố nguy cơ này. Trong khi đó, thuốc là và rượu cũng góp phần gây ra hơn 1/3 số ca tử vong do ung thư ở nữ giới.
Nghiên cứu trên cũng nhấn mạnh rằng: "Các yếu tố nguy cơ hàng đầu góp phần gây ra gánh nặng ung thư trên toàn cầu vào năm 2019 là do hành vi của con người, do đó việc giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (vốn có thể được thực hiện thông qua điều chỉnh hành vi) sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư trên toàn thế giới".
Ông Christopher Murray - Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc trường Đại học Y khoa Washington và là đồng tác giả của nghiên cứu trên - cho biết: "Hút thuốc lá tiếp tục là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các trường hợp mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới, trong khi các yếu tố khác cũng góp phần đáng kể gây ra các gánh nặng ung thư khác nhau".
Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 50% số ca ung thư không phải do một yếu tố nguy cơ đã biết và điều đó đồng nghĩa với việc chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả còn cần phải đi kèm với việc nâng cao nỗ lực phòng ngừa.