Ung thư vú không còn là ‘án tử’

Hiện các phương pháp tiên tiến được ứng dụng trong điều trị ung thư vú, các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm ngày càng tốt hơn giúp nâng cao chất lượng điều trị, thậm chí có thể chữa khỏi ung thư vú.

Chú thích ảnh
Chị em phụ nữ cần đi khám định kỳ, tầm soát ung thư vú sớm. Ảnh: TTXVN

Có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Phát hiện mắc ung thư vú từ năm 2013, chị Vũ Tuyết Mai (Hà Nội) tưởng như “án tử” đã treo trên đầu. Lúc đó chị như sụp đổ vì nghĩ ung thư là không thể chữa khỏi.

Chị Tuyết Mai chia sẻ: “Rất may, lúc mới phát hiện khối u còn rất nhỏ, tôi chưa cảm thấy đau đớn hay có biểu hiện gì khác. Mấy năm đầu khi tôi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ có âm vang của khối u, tôi vẫn rất ổn. Đến tháng 5/2021, khi khối u có những biểu hiện bất thường, bị vỡ ra có máu và mủ; thậm chí bị hoại tử, không cầm máu, sức khỏe của tôi lúc đó kém, tôi suy sụp. Khi nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ đã đánh giá trường hợp của tôi không thể mổ ngay được mà phải truyền hóa chất trước”.

Sau khi truyền hóa chất 6 lần, kết quả rất tốt, nhưng lại phát hiện khối u đã xâm nhập xuống các phần khác; chị Mai được chỉ định truyền hóa chất thêm 2 lần nữa.

“Sau khi kết quả ổn định, tôi được chỉ định mổ vào tháng 1/2022. Từ sau mổ đến nay, tôi hoàn toàn chỉ điều trị ngoại trú, sức khỏe ổn định; kết quả điều trị hơn cả điều tôi mong đợi. Tôi được biết các bác sĩ đã sử dụng tất cả các biện pháp điều trị ung thư vú hiện đại trên thế giới để áp dụng điều trị cho tôi, cho kết quả tốt”, chị Mai chia sẻ.

Cũng phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, bà D.T.C. (ở Hải Dương) đã vượt qua được căn bệnh quái ác sau một thời gian điều trị. Khi tới Bệnh viện K để khám và phát hiện bị ung thư vú, bà đã được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú trái kèm vét hạch nách trái, xạ trị thành ngực bổ trợ sau mổ. Sau điều trị, bà đã khỏi bệnh trở về sinh hoạt bình thường, sống khoẻ mạnh trong nhiều năm.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), riêng năm 2020, nước ta có gần 183.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú có gần 22.000 người mắc (chiếm tỷ lệ 11,8%).

Cũng trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 10.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Con số trên cho thấy ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới.

Hiện nay, với sự tiến bộ của các phương thức chẩn đoán như: Siêu âm kết hợp chọc hút tế bào, X-quang tuyến vú, MRI tuyến vú, giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, PET/CT... kết hợp với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, nội tiết, các thuốc điều trị đích, miễn dịch... có thể kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nâng cao chất lượng điều trị

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Về điều trị cho bệnh nhân ung thư vú, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau như: Ung thư, y học hạt nhân, bác sĩ thẩm mỹ, chuyên ngành giải phẫu bệnh… để cùng phối hợp, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh một cách tối ưu nhất. Với mỗi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến vú đều được đánh giá ở giai đoạn nào, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như: Bệnh nhân được phẫu thuật ngay hay điều trị hóa trị trước, nội tiết trước sau đó mới phẫu thuật. Khi phẫu thuật bệnh nhân cũng được xem xét xem nên cắt bỏ toàn bộ tuyến vú kèm theo vét hạch nách, hay bệnh nhân được phẫu thuật lấy rộng rãi khối u bảo tồn tuyến vú... Tùy tình trạng của người bệnh ekip các bác sĩ sẽ đưa ra phương án tốt nhất để điều trị”.

“Trong điều trị nội khoa, chúng tôi sử dụng các thuốc để điều trị như: Hóa chất, nội tiết cả thế hệ mới và thế hệ cũ, cũng như các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch cho ung thư vú. Ở Việt Nam hiện đã cập nhật được các tiến bộ điều trị, phác đồ của các nước trên thế giới, trong khu vực để điều trị cho người bệnh một cách tối ưu nhất”, PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết.

Theo TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện K, người bệnh khi được chẩn đoán ung thư vú thường quan tâm đến tiên lượng bệnh như thế nào, có thể sống được trong bao lâu? Có nhiều yếu tố quyết định đến tiên lượng của người bệnh; trong đó có giai đoạn bệnh, nếu người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn sớm thì có cơ hội chữa khỏi cao hơn nhiều.

Việc điều trị sớm ngoài khả năng chữa khỏi, các phương pháp điều trị phải sử dụng cũng chỉ cần ở mức tối thiểu, việc điều trị ít tác động đến sức khỏe, tiết kiệm chi phí điều trị hơn cho người bệnh. Ung thư vú được chia làm 4 giai đoạn, điều này có ý nghĩa về tiên lượng; giai đoạn bệnh rất quan trọng để làm căn cứ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật, sau đó điều trị bổ trợ; nếu ở giai đoạn muộn hơn nữa sẽ phải điều trị hóa trị trước để thu nhỏ u lại, sau đó mới phẫu thuật. Nếu ở giai đoạn đã rất muộn, sẽ áp dụng các phương pháp điều trị toàn thân…

Theo đó, yếu tố quan trọng nhất là người bệnh được chẩn đoán sớm, đến bệnh viện sớm có thể quyết định hiệu quả điều trị bệnh ung thư vú. Vì vậy chị em cần có sự chủ động trong việc khám sàng lọc, khám định kỳ để phát hiện sớm nhất nếu mắc bệnh.

Cũng theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, với người bệnh ung thư vú ở giai đoạn muộn, cần áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến hay thuốc thế hệ mới; trong khi BHYT hiện vẫn chưa chi trả các loại thuốc mới cho các bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Thời gian tới, nếu BHYT chi trả một phần nào các thuốc mới này có thể giúp giảm gánh nặng cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn khi có chỉ định các thuốc thế hệ mới, để tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Triển khai chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú
Triển khai chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú

Ngày 16/10, quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" phát động chiến dịch truyền thông, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú mang tên "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" theo hình thức trực tuyến với thông điệp "Bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN