Ngăn ngừa nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh đau mắt đỏ

Để ngăn ngừa nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng dân cư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn 7659/UBND-VX1 đề nghị các sở, UBND các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nội dung theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh nhằm xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các cơ sở giáo dục Mầm non tăng cường vệ sinh trường học, hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.

Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân đau mắt đỏ; tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường, trong đó trẻ em chiếm khoảng 40 - 50%. Đây chỉ là số lượng thống kê rất nhỏ trong tổng số những người đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh. Bởi khi đau mắt đỏ, nhiều người bệnh chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc đến các phòng khám tư.

Theo bác sỹ Trần Văn Hà, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh đau mắt đỏ thường do vi khuẩn hoặc các loại virus gây ra. Bệnh lây qua tiếp xúc với chất tiết từ người bệnh, qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người mắc đau mắt đỏ. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, song trẻ em chiếm tỷ lệ mắc nhiều hơn do trẻ đi học, tập trung ở môi trường đông người và chưa tự ý thức việc vệ sinh cũng như các biện pháp phòng bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là mắt đỏ, ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt; mắt tiết nhiều gỉ, chảy nước mắt; mi mắt sưng nề, đau nhức và có thể kèm theo các biểu hiện khác như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân cần làm tốt vệ sinh cá nhân, dùng riêng khăn mặt, cốc, chậu rửa mặt, phơi khăn ngoài nắng hằng ngày, không dùng tay dụi mắt; không để mắt làm việc quá sức; ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi ngày để có đôi mắt khỏe mạnh; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; sử dụng dung dịch dưỡng mắt mỗi ngày để giúp chăm sóc đôi mắt sạch và khỏe mạnh hơn. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ và các vật dụng cá nhân của người đau mắt đỏ...

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc tra, đặc biệt thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc của người khác tra vào mắt, không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian đắp vào mắt đau.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Ninh Thuận: Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời bệnh đau mắt đỏ
Ninh Thuận: Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời bệnh đau mắt đỏ

Sáng 28/9, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Thuận Đinh Văn Hùng cho biết, thời gian gần đây, bệnh đau mắt đỏ ở các địa phương trong tỉnh đang có dấu hiệu bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, trong đó có cả người lớn và trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN