Quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng
Do bị tai biến nên ông Nguyễn Thanh Đoan, sinh năm 1954, trú tại huyện Xuân Trường đã phải nhập viện điều trị khoảng một tuần nay tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Quá trình điều trị bệnh, ông Đoan được các bác sĩ tại đây cấp phát thuốc uống đầy đủ. Tuy nhiên đến khi tiêm, ông phải tự đi mua bơm kim tiêm bên ngoài rồi mang về cho các bác sĩ tiêm.
Ông Nguyễn Thanh Đoan cho biết, không chỉ mình ông mà cả phòng nếu ai muốn tiêm đều phải mua bơm kim tiêm bên ngoài. Lý do được các bác sĩ giải thích là do bệnh viện đang tạm thời hết nên bệnh nhân phải tự mua.
Là người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng suốt 12 ngày nằm điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1966, trú tại huyện Vụ Bản) cũng phải ra các quầy thuốc bên ngoài để mua bơm kim tiêm, dây truyền để sử dụng khi cần.
Ông Khải thắc mắc, bơm kim tiêm hay dây truyền giá khá rẻ, người dân có thể mua được. Tuy nhiên, nếu bệnh viện thiếu thuốc chữa bệnh và bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc với giá cao thì có được thanh toán bảo hiểm không. Nếu được thanh toán thì thủ tục giấy tờ cũng phức tạp. Nếu không được thanh toán, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến công tác cứu chữa, điều trị cho các bệnh nhân. Bác sĩ Vũ Thị Thanh Trúc, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, do thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế nên nhiều khi Bệnh viện cũng phải tự mua bơm kim tiêm, dây truyền để có thể kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân vào lúc đêm khuya, hoặc các trường hợp đột xuất mà người nhà không thể mua kịp.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định Hoàng Ngọc Hà, Bệnh viện bắt đầu thiếu một số loại thuốc và vật tư y tế từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay như: bơm tiêm, dây truyền, kim luồn tĩnh mạch, chỉ khâu, các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp…
Cần khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Tại Nam Định, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra tại một số bệnh viện ở cả các đơn vị công lập và ngoài công lập điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế huyện Xuân Trường… Sở dĩ có tình trạng trên là do các đơn vị đang gặp khó khăn trong khâu thẩm định giá và tâm lý e ngại của người đứng đầu các cơ sở y tế sợ nếu không làm chuẩn, làm đúng quy trình đấu thầu thuốc sẽ bị liên đới trách nhiệm.
Theo ông Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, trong năm 2021 các cơ sở y tế trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc và vật tư y tế đủ dùng đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay. Mặt khác, năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nhiều cơ sở y tế cũng ít bệnh nhân, lượng thuốc vẫn còn. Vì vậy tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế chỉ xảy ra trong khoảng 2 tháng nay.
Ông Trần Huy Đoàn cho biết thêm, để phục vụ nhu cầu người bệnh trong năm 2022-2023, ngay từ quý II/2021, Sở Y tế đã chuẩn bị các điều kiện để mở thầu. Tháng 11/2021, Sở đã đăng công khai để mời các nhà thầu thẩm định giá nhưng không có ai tham dự. Nếu không có khâu thẩm định giá độc lập này sẽ không thể thực hiện các trình tự đấu thầu được. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trên địa bàn thời gian qua.
Để khắc phục tình trạng trên, tháng 3/2022, UBND tỉnh Nam Định thành lập Hội đồng thẩm định giá thuốc, trên cơ sở tra cứu, tham khảo giá trúng thầu của các địa phương khác để xây dựng giá phục vụ cho gói thầu trên địa bàn. Hiện Sở đang mở 2 gói thầu mua thuốc cho 45 đơn vị trực thuộc Sở Y tế với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng.
Để nhanh chóng có thuốc phục vụ người bệnh, Sở đã huy động 35 cán bộ từ các cơ sở y tế trên địa bàn làm việc liên tục từ 7 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày cố gắng đến hết tháng 6/2022 sẽ chấm thầu xong, phấn đấu đến giữa tháng 7 sẽ có thuốc. Sở Y tế tỉnh cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người bệnh hiểu về những khó khăn trong việc thiếu thuốc và vật tư y tế trong giai đoạn hiện nay để người dân hiểu và chia sẻ với ngành Y tế.
Là một trong những đơn vị thiếu thuốc và vật tư y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã tăng cường liên kết, phối hợp với một số bệnh viện tư trên địa bàn để điều trị, cứu chữa người bệnh; đồng thời, lựa chọn một số vật tư y tế cần thiết để làm gói thầu nhỏ.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay, Bệnh viện sẽ ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu, còn trường hợp mổ có thể hoãn mổ hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Những trường hợp đang điều trị nội trú sẽ được tuyên truyền, giải thích để người bệnh mua thuốc ở bên ngoài. Một số bệnh nhân làm xét nghiệm máu sẽ được chuyển sang các bệnh viện tư rồi căn cứ vào kết quả để chẩn đoán và điều trị.