Ngành Y tế Lào Cai khuyến cáo người dân vùng lũ cần có biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp trước nguy cơ gia tăng bệnh Whitmore sau lũ.
Ca bệnh được xác định vào ngày 26/9. Trước đó, bệnh nhân tham gia dọn bùn đất sau lũ nhưng không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ho ít, sau đó tăng dần kèm theo đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Bệnh nhân vào viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám bệnh, sau đó được chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.
Lúc vào viện, bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, rải rác mụn mủ ở 2 chân, cánh tay và lưng, hội chứng nhiễm trùng dương tính; được làm các xét nghiệm máu, cận lâm sàng, lấy mẫu vi khuẩn nuôi cấy và định danh bằng hệ thống tự động. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có các đám tổn thương rải rác ở 2 phổi, tràn dịch màng phổi phải, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người, gây bệnh Whitmore). Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nên đã được chuyển về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Whitmore (tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.
Theo ngành Y tế Lào Cai, đầu tháng 9/2024, địa phương bị ngập lụt nặng nề sau bão số 3, chính vì vậy nguy cơ người dân mắc bệnh Whitmore có thể gia tăng nếu không có các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp. Whitmore là bệnh chưa có vaccine dự phòng đặc hiệu. Để phòng bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín, uống chín...
Trong tháng 8-9/2024, một số bệnh viện trong nước cũng ghi nhận ca mắc bệnh Whitmore.