Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện các bệnh viện thành phố đang điều trị 11.586 bệnh nhân, trong đó có 618 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Đáng lưu ý, trong ngày 10/11, có 1.228 bệnh nhân nhập viện nhưng chỉ có 865 bệnh nhân xuất viện. Trong ngày, Thành phố ghi nhận 38 trường hợp tử vong.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 1.800 trường hợp cần thở oxy và 230 - 250 trường hợp thở máy xâm lấn. Số ca tử vong dao động trung bình mỗi ngày từ 21 - 43 trường hợp. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng biết, trong số các ca tử vong, ngoài các trường hợp sống tại TP Hồ Chí Minh còn có một số trường hợp bệnh nhân nặng từ các bệnh viện tỉnh chuyển lên điều trị.
Cụ thể, trong ngày 9/11, TP Hồ Chí Minh có 45 trường hợp tử vong, trong đó có 5 trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên và trong số 38 ca tử vong trong ngày 10/11, có 3 trường hợp ở tỉnh Long An, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Phân tích các trường hợp tử vong, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong số 38 trường hợp tử vong ghi nhận trong ngày 10/11, đa số các trường hợp tử vong là người lớn tuổi và mắc bệnh nền; trong đó có 20 trường hợp chưa được tiêm vaccine, 2 trường hợp đã được tiêm 1 mũi vaccine và 10 trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng có bệnh nền và trên 50 tuổi.
"Như vậy, nhóm nguy cơ cao hiện nay của thành phố là những người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, đặc biệt là trường hợp có bệnh nền lâu năm. Có thể thấy, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 có tỷ lệ chuyển nặng và tử vong sẽ thấp hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đã tiêm vaccine là không sao hết", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết, Sở Y tế đã đề nghị các địa phương có giải pháp kịp thời để tiêm vaccine cho những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chia sẻ về số ca mắc COVID-19 mới tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, đây là kết quả tất yếu khi Thành phố chuyển từ trạng thái giãn cách xã hội sang nới lỏng giãn cách xã hội để sống chung, thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, một số quận, huyện có số ca mắc tăng nhưng lực lượng quân y hỗ trợ cho các trạm y tế lưu động đã rút về nên dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở một số trạm y tế lưu động. Do đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã điều lực lượng tăng cường hỗ trợ từ các bệnh viện quận, huyện và thành phố Thủ Đức đến các trung tâm y tế, trạm y tế địa phương để kịp thời cấp phát gói thuốc A, B, C đến người dân; đồng thời theo dõi các trường hợp mắc bệnh nặng và chuyển viện kịp thời, giảm tình trạng tử vong.