Ngày 10/11, Việt Nam ghi nhận 7.930 ca nhiễm SARS-CoV-2, TP Hồ Chí Minh cao nhất
Tính từ 16 giờ ngày 9/11 đến 16 giờ ngày 10/11, Việt Nam ghi nhận 7.930 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, phê duyệt thêm 1 loại vaccine phòng COVID-19 của Ấn Độ là vaccine Covaxin.
Trong số các ca nhiễm mới, có 12 ca nhập cảnh và 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.414), Đồng Nai (848), Bình Dương (627), An Giang (450), Tây Ninh (435), Tiền Giang (396), Kiên Giang (327), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Đồng Tháp (274), Bạc Liêu (234), Bà Rịa - Vũng Tàu (191), Đắk Lắk (181), Cà Mau (180), Vĩnh Long (157), Cần Thơ (139), Long An (132), Bình Phước (131), Khánh Hòa (122), Hà Giang (94), Bến Tre (87), Hà Nội (80), Trà Vinh (74), Hậu Giang (63), Gia Lai (61), Quảng Ngãi (57), Nghệ An (51), Ninh Thuận (50), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (44), Bình Định (39), Bắc Giang (36), Đắk Nông (36), Thanh Hóa (33), Nam Định (29), Đà Nẵng (26), Bắc Ninh (23), Hưng Yên (23), Quảng Nam (19), Hải Dương (18), Phú Yên (16), Quảng Bình (13), Kon Tum (11), Quảng Trị (11), Lạng Sơn (9), Tuyên Quang (8 ), Điện Biên (6), Hà Nam (6), Thừa Thiên Huế (6), Ninh Bình (5), Vĩnh Phúc (4), Cao Bằng (2), Thái Nguyên (2), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hòa Bình (1), Bắc Kạn (1), Hải Phòng (1), Thái Bình (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Sóc Trăng (giảm 274 ca), Hà Nội (giảm 188 ca), An Giang (giảm 107 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đón là: Tây Ninh (tăng 194 ca), Tiền Giang (tăng 189 ca), TP. Hồ Chí Minh (tăng 138 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.596 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.076 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 987.758 ca, trong đó có 841.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP. Hồ Chí Minh (442.630 ca), Bình Dương (240.974 ca), Đồng Nai (74.913 ca), Long An (36.122 ca), Tiền Giang (19.099 ca).
Trong ngày 10/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.254 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 844.054 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.620 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 9/11 đến 18 giờ 30 ngày 10/11, cả nước ghi nhận 79 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (9), Long An (4), Tiền Giang (4), An Giang (4), Đồng Nai (3), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Bạc Liêu (2), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).
Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Covaxin
Ngày 10/11, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch đối với vaccine phòng COVID-19 Covaxin.
Vaccine Covaxin mỗi liều vaccine có 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn SARS-CoV-2 bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều; mỗi liều 0,5 ml.
Vaccine Covaxin được sản xuất bởi Công ty Bharat Biotech International Limited (Ấn Độ).
Bộ Y tế quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Covaxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Covaxin theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Cơ quan này cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Covaxin trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng Tư vấn) trong quá trình sử dụng.
Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Covaxin. Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Covaxin trước khi đưa ra sử dụng.
Bộ Y tế đề nghị đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine có trách nhiệm phản hồi kịp thời các yêu cầu của bộ để bổ sung thêm dữ liệu hoặc những yêu cầu có liên quan vaccine Covaxin và chủ động cung cấp, cập nhật thông tin mới trong suốt quá trình phát triển sản phẩm.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục có số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng
Chiều 10/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh có 1.414 trường hợp mắc mới và 43 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc mới và tử vong trong ngày đều tăng so với ngày trước đó.
Dựa vào số liệu trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, trong 3 ngày liên tiếp, số ca mắc mới và số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh tăng. Cụ thể, trong ngày 8/11, Thành phố ghi nhận 1.316 trường hợp mắc mới và 35 trường hợp tử vong; ngày 9/11 ghi nhận 1.276 trường hợp và 38 trường hợp tử vong; ngày 10/11 ghi nhận 1.414 trường hợp mắc mới và 43 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 8 quận, huyện có ca mắc COVID-19 đang được cách ly tại nhà; trong đó, Quận 12 đứng đầu với 9.488 ca, thành phố Thủ Đức có 6.554 ca, huyện Hóc Môn có 6.406 ca, huyện Bình Chánh có 3.888 ca, quận Gò Vấp có 2.631 ca, quận Tân Phú có 2.149 ca, quận Bình Tân có 1.939 ca và huyện Nhà Bè có 771 ca.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thành lập Trạm y tế xã, phường, thị trấn lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các Trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động phòng dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Việc kích hoạt các trạm y tế lưu động góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trong tình hình mới.
Đến nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã thành lập các trạm y tế lưu động, đồng thời kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca COVID -19 trong khu dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn. Các buổi diễn tập đã diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người mắc COVID -19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID - 19; phản ứng khi người dân mắc virus SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, để hoạt động hiệu quả, một số trạm y tế lưu động cần xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn. Các địa phương cũng cần quan tâm đến địa điểm đặt trạm y tế lưu động, nên bố trí trạm y tế ở những nơi có giao thông thuận tiện. Ngoài ra, mỗi trạm y tế cần có ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được 100 trường hợp F0.
Đà Nẵng chưa cho học sinh đi học trở lại từ 15/11 như dự kiến
Chiều 10/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch. Cuộc họp thống nhất với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo chưa tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11, do tình hình dịch phức tạp.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, tình hình dịch đang căng thẳng, có nguy cơ cao, đặc biệt là ở Sơn Trà, Liên Chiểu. Ngoài ra, tại các chốt phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trung bình mỗi ngày có 2-3 ca mắc COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các địa phương, đơn vị đánh giá kỹ nguy cơ trên địa bàn quản lý, nhất là tại quận Sơn Trà để đề xuất nâng mức độ nguy cơ theo quy định và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch thích hợp, nhất là việc dừng một số hoạt động, dịch vụ.
Cùng với đó, các chốt kiểm soát ra vào thành phố tiếp tục tập trung công tác quản lý người, phương tiện. Ngành y tế nghiên cứu, đề xuất việc xét nghiệm các đối tượng vào thành phố, đảm bảo hợp lý và ngăn chặn hiệu quả hơn nguồn bệnh từ bên ngoài. Ngoài ra, các địa phương cần quản lý chặt các khu phong tỏa và tổ chức xét nghiệm theo quy định; đề xuất việc xét nghiệm cộng đồng quy mô rộng hơn trên địa bàn quản lý.
Bà Ngô Thị Kim Yến giao Sở Y tế thành phố nghiên cứu, đề xuất việc xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới; nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố, căn cứ số liệu dịch bệnh trong để nâng mức hoặc giảm cấp độ dịch; đưa vào dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch trong thời gian đến để xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngành Y tế dừng tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 15 tuổi trong ngày mai (11/11) và thông báo sớm cho các cơ sở tiêm chủng, người dân được biết. Cùng với đó, ngành Y tế, Giáo dục và Công an thành phố khẩn trương làm việc để thống nhất việc cấp mã định danh cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19. Khi có mã mới sẽ triển khai tiêm để tổ chức quản lý chặt chẽ; thống nhất cơ quan đầu mối, chủ trì việc cấp và quản lý mã định danh để tiêm chủng cho trẻ.
Bên cạnh đó, UBND thành phố thống nhất với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chưa tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 15/11, do tình hình dịch phức tạp. Trước khi tổ chức học trực tiếp trở lại, thành phố sẽ có thông báo trước một tuần để các trường học, địa phương và người dân chuẩn bị. Riêng việc đi học của trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà), Sở Giáo dục và Đào tạo cần nắm rõ tình hình, có chỉ đạo sớm về việc tiếp tục đi học hay dừng học của các học sinh trong thời gian tới.
Đồng Nai: Lập Trạm y tế lưu động ứng phó với dịch COVID-19
Tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thiết lập Trạm y tế lưu động nhằm ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Các Trạm y tế lưu động được thiết lập tại các khu công nghiệp, những vùng nguy cơ cao, rất cao về dịch COVID-19, nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng như xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19; quản lý, chăm sóc người nhiễm bệnh tại nhà; phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nặng.
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu mỗi huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch thiết lập Trạm y tế lưu động. Các trạm này phải luôn trong tư thế sẵn sàng đưa vào vận hành khi số ca mắc COVID-19 vượt quá khả năng chăm sóc của các Trung tâm Y tế cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn thành lập ít nhất một Trạm y tế lưu động có năng lực phục vụ từ 50 - 100 ca mắc COVID-19. Mỗi khu công nghiệp thành lập ít nhất một Trạm y tế lưu động có thể phụ trách từ 500 - 1.000 ca mắc COVID-19.
Nguồn nhân lực của các Trạm y tế lưu động ngoài nhân viên y tế còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội, người lao động trong doanh nghiệp. Địa điểm làm việc của Trạm có thể tận dụng từ các công trình có sẵn hoặc làm nhà dã chiến, đồng thời được trang bị xe lăn, cáng khiêng, các loại thuốc điều trị, máy để sử dụng oxy cho người bệnh.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, việc thiết lập các Trạm y tế lưu động đặc biệt là trong các khu công nghiệp là cần thiết, đảm bảo kịp thời cách ly, điều trị công nhân mắc COVID-19. Bên cạnh thành lập Trạm Y tế lưu động, tỉnh Đồng Nai đã cho phép các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà, đồng thời lên kế hoạch giải thể 8/11 bệnh viện dã chiến.
Lai Châu: Phát hiện 2 học sinh dương tính với SARS-CoV-2
Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lai Châu cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm hai ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng là hai học sinh tại ổ dịch xã Bản Giang, huyện Tam Đường.
Cụ thể, em C.T.Q, sinh năm 2007, học sinh lớp 9A1, Trường Trung học Cơ sở Bản Giang và em C.T.T, sinh năm 2013, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bản Nà Cơ thuộc xã Bản Giang. Hai em này trong quá trình học tại trường có tiếp xúc với nhiều bạn. Hai trường hợp này là F1 của bệnh nhân 987025 và bệnh nhân 987028 đã công bố trước đó.
Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về các quy định và diễn biến dịch COVID-19; đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang, lo lắng, chủ động khai báo y tế, phối hợp áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tại ổ dịch xã Bản Giang, lực lượng chức năng đã chốt chặn, phong tỏa tạm thời không cho người dân tự do ra, vào các bản, tạm dừng buôn bán, họp chợ, học tập đến khi "làm sạch" ổ dịch. Chính quyền địa phương yêu cầu tất cả người dân không được tự ý ra khỏi địa bàn, thực hiện nghiêm phương châm nhà cách ly với nhà, người cách ly với người.
Ngành Y tế Lai Châu đã đưa các trường hợp mắc bệnh chuyển về Bệnh viện Phổi điều trị; người nghi ngờ mắc, người tiếp xúc gần (F1) và người liên quan cách ly tạm thời, đồng thời khử khuẩn khu vực có ca mắc.
Qua truy vết, đến 7 giờ ngày 10/11, lực lượng chức năng đã phát hiện 66 trường hợp F1, 139 trường hợp F2 liên quan đến hai ca bệnh trên.
Hiện lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng 7/7 bản thuộc xã Bản Giang để sàng lọc, sớm phát F0 để đưa điều trị.
Đà Lạt: Liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng liên tục xuất hiện các ca mắc COVID-19 từ người ngoại tỉnh vào địa bàn, trong đó có cả khách du lịch. Trước nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, thành phố Đà Lạt đã khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, nhất là trong mùa cao điểm du lịch cuối năm đang đến gần.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, chỉ tính riêng ngày 8/11, trên địa bàn đã ghi nhận 54 ca mắc COVID-19. Đây là số ca nhiễm trong một ngày cao nhất từ trước đến nay tại Lâm Đồng. Trong đó, thành phố Đà Lạt có số ca mắc nhiều nhất (17 trường hợp), chủ yếu là người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Thuận, Khánh Hòa đến.
Ông Đào Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, thống kê từ ngày 15/10 đến nay đã có gần 13.000 người từ các tỉnh, thành phố khác về Lâm Đồng. Trong đó, đã ghi nhận 75 trường hợp mắc COVID-19 và tạo thành các ổ dịch mới. Tuy nhiên, một số người khai báo không trung thực khiến lực lượng y tế truy vết rất vất vả.
Trước thực trạng số ca nhiễm tăng nhanh, chủ yếu bắt nguồn từ người ngoài tỉnh, thành phố Đà Lạt đã tăng cường nhiều biện pháp phòng dịch. Thành phố tạm dừng các hoạt động dịch vụ karaoke, massage, rạp chiếu phim, internet, trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường, chợ đêm từ 0 giờ ngày 9/11...
UBND thành phố Đà Lạt giao UBND các phường, xã tăng cường quản lý, theo dõi việc thực hiện cách ly y tế tại nhà, hướng dẫn người ngoại tỉnh về Lâm Đồng cam kết cách ly y tế, theo dõi sức khỏe. Các địa phương kiểm soát đối với lao động tự do từ các tỉnh, thành phố khác, người từ các huyện trong tỉnh khi đến Đà Lạt. Thành phố giao Phòng Y tế khẩn trương kích hoạt hệ thống Trạm Y tế lưu động, sẵn sàng cung cấp dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở...
Theo bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, sắp tới, vào các mùa hoa, kỳ nghỉ cuối năm, dự kiến lượng khách du lịch đến địa phương còn tăng cao. Do đó, thành phố khuyến cáo du khách có thể cân nhắc đến Đà Lạt vào lúc này. Trong trường hợp khách vẫn đến cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố chỉ đạo các đơn vị, xã, phường tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định phòng dịch tại cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch.
Các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Bình Phước: Số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây
Trong hơn một tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại Bình Phước tăng cao, xuất hiện 7 ổ dịch trong cộng đồng, trong đó nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước cho biết, trong tuần qua, trên địa bàn ghi nhận 640 ca mắc COVID-19, tăng 422 ca so với tuần trước đó, trong đó xuất hiện 7 ổ dịch mới trong cộng đồng, 3 ổ dịch vẫn chưa xác định được nguồn lây.
Tỉnh Bình Phước dự báo, trong những ngày tới, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng ghi nhận thêm nhiều ca dương tính và các ổ dịch mới trong cộng đồng.
Chiều 10/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký công văn khẩn về phân loại cấp độ dịch trên địa bàn. Theo đó, Bình Phước có 1 xã nguy cơ dịch ở cấp độ 4, có 8 xã nguy cơ dịch cấp độ 3. Thị xã Phước Long là đơn vị cấp huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3. Cấp độ dịch toàn tỉnh là cấp độ 2.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh ở mức trên 100 ca/ngày, trong đó có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện nay tỉnh Bình Phước đang chuẩn bị phương án đảm bảo y tế với tình huống khi số ca mắc COVID-19 tăng từ 1.000 ca đang điều trị hiện nay lên 3.000 ca điều trị.
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu thiết lập thêm 3 bệnh viện dã chiến có quy mô tối thiểu 200 giường/bệnh viện, nâng năng lực điều trị của toàn tỉnh đạt tối thiểu 3.000 giường bệnh, trong đó có 165 giường điều trị ca nặng và nguy kịch.