Tổng hợp COVID-19 ngày 8/11: Sẵn sàng sống chung với dịch; tiêm mũi thứ 3 cho người dân

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 8/11 thu hút dư luận là Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 67 ca tử vong; Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng; chủ trương tiêm vaccine mũi 3 cho người dân được các đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Tính từ 16 giờ ngày 7/11 đến 16 giờ ngày 8/11, Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh có số mắc tăng cao nhất trong ngày. Trong số các ca nhiễm mới, có 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.237 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.988 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 976.672 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng. Trong ngày 8/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.073 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 841.475 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.390 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 7/11 đến 17 giờ 30 ngày 8/11, cả nước ghi nhận 67 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Đáng chú ý, ngày 8/11, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng, khuyến cáo 5K chưa được thực hiện tốt. Các chuyên gia cho rằng, dịch lây lan rộng trong cộng đồng có phần nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân khi không thực hiện nghiêm 5K; ý thức của người dân lúc này rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cảnh báo: “Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2". Thực tế, tỷ lệ dân số của Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 lớn, nhiều người sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, các chuyên gia đề xuất Hà Nội nên tính đến phương án cách ly tại nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cùng với việc siết chặt phòng dịch, quản lý người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội nên cho những ca F0 không có triệu chứng tự điều trị tại nhà, để giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế. Có thể để người dân tự khai báo và cách ly tại nhà; tránh việc nhiều trường hợp trở thành F0, nhưng không có triệu chứng, không khai báo y tế, vì họ sợ phải đi cách ly.

Xác định và chủ động sống chung với dịch

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu chia sẻ quan điểm về công tác phòng chống dịch COVID-19, xác định việc sống chung với dịch bệnh là lựa chọn tốt nhất hiện nay. 

Đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, việc phân quyền, trao quyền cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch là chủ trương đúng đắn; gắn với trách nhiệm sẽ cao hơn. Thời gian tới, đại biểu hy vọng các địa phương có thể rút kinh nghiệm để triển khai tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn. Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng xong các phương án "sống chung với dịch bệnh" và Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng chiến lược tổng thể cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Việc sống chung với dịch bệnh là lựa chọn tốt nhất hiện nay, song các địa phương phải chuẩn bị các điều kiện, ưu tiên hàng đầu là tiêm phòng vaccine; nâng cao hệ thống y tế; chuẩn bị tâm lý cho người dân sẵn sàng sống chung với dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá, dự báo căn cơ, lâu dài về tình hình dịch bệnh, từ đó đề ra được những giải pháp hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh; đồng thời, Chính phủ cần làm tốt chiến lược về vaccine và cần có thêm chiến lược tiếp cận ngay thuốc điều trị COVID-19.

Nhấn mạnh vaccine phòng COVID-19 là trụ cột của công tác phòng chống dịch, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) bày tỏ tin tưởng, với tỷ lệ và tốc độ tiêm chủng như hiện nay, chúng ta sẽ cố gắng bao phủ được vaccine ở những địa bàn trọng điểm. Chính phủ và ngành Y tế cần phải nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân, khi tới nay, mới chỉ có gần 30% dân số thuộc diện tiêm phòng được tiêm...

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công. Đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay. Đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần. 

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 1-7/11: Chủ động phòng chống dịch trong tình hình mới; đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 1-7/11: Chủ động phòng chống dịch trong tình hình mới; đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong tuần từ 1-7/11 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng tăng trở lại, đặt ra yêu cầu với các địa phương phải chủ động, linh hoạt phòng chống dịch trong tình hình mới, nâng cảnh báo cấp độ dịch; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN