Qua đó, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại tỉnh, không phải lên tuyến trên, giảm chi phí và thời gian điều trị.
Phát triển kĩ thuật chuyên sâu
Thời gian gần đây, hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như đưa vị thế của các bệnh viện lên tầm cao mới trong chữa trị, cứu sống bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng, rất nặng.
Vừa qua, các bác sỹ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã phẫu thuật thành công cắt khối ung thư biểu mô tế bào gan thùy đuôi kèm cắt gan phải thành công cho người bệnh N.T.T (67 tuổi, ở thành phố Vĩnh Yên) có khối u gan ở thùy đuôi xâm lấn cuống gan phải, kích thước đường kính lớn 10cm. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của người bệnh tiến triển khả quan và đã được xuất viện.
Bác sỹ Đặng Tiến Ngọc, Phó Trưởng khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kỹ thuật cắt thùy đuôi kèm gan phải và nạo vét là một trong những kỹ thuật khó trong các hình thái cắt gan do sự phức tạp về vị trí giải phẫu, kiểm soát mạch máu, đòi hỏi trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Kết quả đã đánh dấu một thành tựu mới trong việc làm chủ các phương pháp, kỹ thuật chuyên sâu của y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, nối dài sự sống cho người bệnh ung thư.
Mong muốn làm chủ được những kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực nhi khoa, sản khoa, đặc biệt là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, tháng 11/2020, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Trung tâm đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hệ thống máy móc hiện đại như: Hệ thống nuôi cấy phôi hiện đại Timelapse; tủ nuôi cấy, máy ly tâm tốc độ cao, bình trữ phôi, tủ thao tác IVF an toàn, kính hiển vi phân cực…
Tháng 8/2023, Bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Việc thực hiện thành công kỹ thuật này góp phần giúp người dân Vĩnh Phúc được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, gieo mầm hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Sau nhiều năm điều trị vô sinh nhưng không có kết quả, vợ chồng chị Đ.T.L.H (ở thôn Hưng Đạo, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô) đã mang thai 2 bé trai song sinh nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc. Cặp song sinh chào đời an toàn, khỏe mạnh với cân nặng 2,3 kg và 2,4 kg.
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Để tự thực hiện được kỹ thuật IVF, Bệnh viện nhận được sự trợ giúp tích cực từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đến nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã tiến hành điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cho 48 cặp vợ chồng, trong đó có 48 ca chọc trứng và 28 ca chuyển phôi. Đã có 9 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; 4 trường hợp đã chuyển phôi thành công và đang mang thai.
Triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện
Cùng với sự phát triển kĩ thuật chuyên sâu của bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa - sản khoa, nội soi dạ dày, đại tràng, thận nhân tạo, nâng cao trình độ trong cấp cứu sản khoa, ngoại khoa, hồi sức sơ sinh, điều trị bệnh da liễu…
Mới đây, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã đã đưa Đơn nguyên thận nhân tạo vào hoạt động, giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tại cơ sở.
Không giấu được xúc động, ông Nguyễn Văn Thường (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô) chia sẻ: Trước đây ông phải duy trì việc chạy thận 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc đi lại xa rất vất vả và mất thời gian. Nay, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đưa Đơn nguyên thận nhân tạo vào hoạt động ông rất vui mừng, yên tâm điều trị.
Theo bác sỹ Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô: Hiện nay, Trung tâm đã được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy tán sỏi Laser, máy X-quang cao tần, siêu âm màu 4D, phòng mổ theo tiêu chuẩn châu Âu… Cùng với đó, Trung tâm đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Nổi bật là các kỹ thuật phẫu thuật chuyên sâu về can thiệp đường tiết niệu như phẫu thuật tán sỏi bàng quang - niệu quản, phẫu thuật nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt, cắt túi mật, phẫu thuật điều trị sa sinh dục trong sản phụ khoa. Qua đó, tạo được niềm tin với người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Trong năm 2023, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã thực hiện gần 1.000 kỹ thuật mới, trong đó có 890 kỹ thuật lâm sàng và hơn 100 kỹ thuật cận lâm sàng. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu của tuyến Trung ương đã được các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện thành công như: Phẫu thuật mở nắp sọ sinh thiết tổn thương nội sọ, phẫu thuật dị dạng động - tĩnh mạch não, phẫu thuật vi phẫu mạch máu thần kinh, phẫu thuật bơm xi măng cột sống, phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối nhân tạo, đốt sóng cao tần điều trị các u tạng dưới hướng dẫn siêu âm; thụ tinh trong ống nghiệm... Việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiết kiệm chi phí điều trị, ăn ở, đi lại cho người bệnh và giảm quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh là tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở các tuyến; phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu bảo đảm cho người dân được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương; đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật chuyên sâu và các kỹ thuật cao để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để đạt được điều đó, ngành Y tế Vĩnh Phúc tăng cường đổi mới đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh. Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cử cán bộ y tế đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành xây dựng các quy trình cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân…