Chiều 29/8, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện tách thành công cặp song sinh dính liền nhau vùng cùng cụt. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn và có sự cố vấn chuyên môn của Giáo sư bác sĩ Trần Đông A và ê kíp phẫu thuật gồm phẫu thuật viên tạo hình, ngoại thần kinh, ngoại tiêu hóa và ê kíp gây mê hồi sức.
Cặp song sinh dính liền nhau này là bé Điểu Thị Bảo Ân và Điểu Thị Bảo Hân, sinh ngày 24/7/2016, con sản phụ Thị Quyên (ngụ Bình Phước). Cặp song sinh này được sinh mổ ở 33 tuần thai và cân nặng của hai bé chỉ có 3400 gram. Được biết, trước đó do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn việc tầm soát thai nhi không được thường xuyên nên trước khi sinh chị Quyên không biết hai bé dính liền nhau.
Cặp song sinh vùng cùng cụt dính liền nhau đã được tách thành công. |
Cặp song sinh dính liền nhau nhập viện ngày 26/7 và được hội chẩn dính nhau vùng thắt lưng cùng cụt, thoát vị tủy màng tủy vùng cùng cụt, dính tủy S2-S4, dò hậu môn tiền đình. ThS.BS Nguyễn Thanh Trúc, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong thời gian điều trị tại bệnh viện hai bé đã trải qua 3 lần phẫu thuật đặt túi dãn da, 1 lần phẫu thuật cắt lọc lấy túi dãn da ra, khâu lại.
Qua thời gian điều trị kéo dài 1 năm, sau khi hội chẩn toàn viện, thăm khám, tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, MRI và xem xét tình trạng của hai bé êkíp phẫu thuật đã quyết định tiến hành phẫu thuật tách dính cho hai bé vào sáng ngày 23/8/2017.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho ca bệnh này, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch một cách cụ thể, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị, chống nhiễm khuẩn, phòng mổ, êkíp phẫu thuật, gây mê, dụng cụ, hậu cần và êkíp hồi sức cho hai cháu bé sau phẫu thuật.
Theo bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, khoa Ngoại thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là một ca bệnh rất hiếm gặp và là ca đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 2. "Khó khăn nhất của ca này là làm sao sao xác định được dây thần kinh nào chi phối cho bé nào bởi các dây thần kinh dính và đan xen vào nhau, các mấu chốt thần kinh đi rất lộn xộn. Bên cạnh đó, hai bé này chia nhau chỉ có một tủy nên việc phẫu thuật bóc tách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc bóc tách phải đảm bảo chức năng thần kinh cho hai bé một cách tốt nhất", bác sĩ Cần cho biết thêm.
Qua chẩn đoán ban đầu, bé Bảo Ân có hai chi dưới vận động khá kém, có những dị dạng về cơ xương khớp như trật khớp háng, cứng khớp gối, cổ chân phải nên sau khi phẫu thuật cần phải theo dõi thêm để đánh giá tiên lượng. Còn riêng bé Bảo Hân không các dị tật khác nên ngay từ ban đầu trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ cố gắng bảo tồn các chức năng tốt nhất cho Bảo Hân.
Theo các bác sĩ tham gia cuộc phẫu thuật, cuộc phẫu thuật diễn ra từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 18 giờ 35 cùng ngày. Trải qua hơn 11 giờ đồng hồ từ giai đoạn gây mê đến những mũi khâu cuối cùng, êkíp phẫu thuật bóc tách và tạo hình đã có những giây phút căng thẳng trong phòng mổ khi trường hợp của hai bé là thoát vị tủy màng tủy nên việc phẫu tích cực kỳ khó khăn, nhiều thời gian hơn dự kiến.
Tuy nhiên, với sự tận tâm, tài năng và khéo léo của ê kíp phẫu thuật, ca mổ đến thời điểm này được đánh giá là thành công. Hiện tại 2 bé đã uống sữa lại và đang được tiếp tục chăm sóc vết mô tách dính, tạo hình vạt da...
Theo Giáo sư bác sĩ Trần Đông A, người cố vấn cho ca phẫu thuật, theo nguyên tắc về sinh học, các cặp song sinh đơn trứng sẽ được tách ra trong một tuần lễ sau khi thụ tinh nhưng vì lý do nào đó cặp song sinh này tách trễ hơn một tuần nên dẫn đến tình trạng dính liền nhau.
Hiện có nhiều giả thuyết đưa ra nguyên nhân tình trạng tách trễ của cặp song sinh, trong đó giả thuyết nguyên nhân có thể đến từ môi trường làm tác động lên quá trình tách của hai em bé trễ hơn được nhiều người công nhận. Còn về y học chứng cứ thì đến nay vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cặp song sinh dính nhau.