Đó là phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - nha khoa thẩm mỹ Be Dental, địa chỉ số 7 phố Thi Sách, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, do ông Mai Văn Đức là bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật. Thời gian đăng ký khám chữa bệnh từ 17 giờ 30 phút - 20 giờ 30 phút từ thứ Hai đến thứ Sáu và từ 9 giờ đến 18 giờ thứ Bảy và Chủ nhật.
Cơ sở thứ hai là phòng khám chuyên khoa phụ sản - kế hoạch hóa gia đình tại địa chỉ tầng 2, số 185 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, do bà Tạ Thị Yên là bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật. Thời gian đăng ký khám chữa bệnh từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ tất cả các ngày trong tuần.
Ngày 10/9/2019, Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn giám sát việc thực hiện ngừng hoạt động của 2 phòng khám nêu trên; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, đặc biệt là các cơ sở đã được thẩm định nhưng chưa được Sở Y tế cấp phép.
Thời gian qua, tình trạng “đụng đâu sai đó” tại các phòng khám, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn Hà Nội khiến dư luận lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế và sự an toàn cho người bệnh. Trước sự phát triển của hệ thống cơ sở y, dược tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Đặc biệt, công tác kiểm tra, hậu kiểm gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động này từ thành phố đến quận, huyện, thị xã hiện vừa thiếu vừa yếu.
Ông Bùi Văn Xuân, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân chỉ có 6 người, trong khi Hà Nội hiện có hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm 68 cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của 8 cơ sở; thu hồi giấy phép hoạt động của 12 cơ sở khám, chữa bệnh; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở khám, chữa bệnh. Do số cơ sở quá lớn nên có cơ sở phải đợi 10 năm mới được kiểm tra 1 lần, bởi vậy công tác hậu kiểm sau cấp phép khó có thể làm tốt được.
Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe. Chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn, nhưng việc xử phạt quá ít nên hiệu quả thực tế chưa cao.
Mặt khác, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ. Như vậy, nhiều cơ sở vì lợi nhuận, có thể đẩy giá dịch vụ lên cao, lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc tùy tiện… ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.