Vì vậy, khoa phải lọc máu cho người bệnh từ 3 ca/ngày tăng lên 5 ca/ngày khiến đơn vị rơi vào tình trạng quá tải, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Theo bác sỹ Nguyễn Bá Hỷ, Trưởng khoa Lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa, hiện nay, khoa đang quản lý và sử dụng 55 máy lọc máu nhân tạo để lọc máu thường kỳ cho hơn 280 bệnh nhân. Sau nhiều lần rải rác các máy bị hư hỏng, phải sửa chữa, thay thế đến ngày 1/11 đã có đến 20 máy bị hư hỏng đồng loạt, không còn hoạt động được khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc lọc máu cho người bệnh. Cụ thể, thay vì trước đây y, bác sỹ cũng như người bệnh kết thúc ca lọc máu trong ngày vào lúc 21 giờ thì nay phải đến 3 giờ ngày hôm sau mới hoàn thành công việc. Nhiều người phải ngủ ngay tại hành lang bệnh viện sau khi kết thúc lọc máu ca 4 và ca 5 vì đêm khuya...
Bác sỹ Nguyễn Bá Hỷ cho biết thêm, hiện nay, số máy lọc máu còn lại do sử dụng đã lâu (từ năm 2015) và nhiều lần phải sửa chữa, thay thế linh kiện nên cũng đang có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, số máy đang hư hỏng và số máy còn lại đang hoạt động nếu không được khắc phục sẽ dẫn tới nguy cơ khoa Lọc máu không có máy phục vụ bệnh nhân và người bệnh sẽ phải chuyển viện lên các tuyến trên. Hiện, việc tăng lọc máu lên 5 ca/ngày sẽ dẫn đến nguy cơ các máy còn lại hoạt động quá tải, có thể xảy các hư hỏng sớm hơn và nguy cơ thiếu máy lọc máu tại khoa sẽ trở nên nghiêm trọng. Các y, bác sỹ mong muốn được trang bị máy mới hoặc sửa chữa máy lọc máu trong thời gian sớm nhất để đơn vị không bị quá tải và người bệnh đỡ vất vả.
Là bệnh nhân lọc máu đã hơn 9 năm tại Bệnh viện Bà Rịa, anh Phan Ngọc Hùng (ngụ xã Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, gia đình anh cách bệnh viện khá xa, trong khi đó nhà lại neo người. Vì vậy, khi máy lọc máu nhân tạo trong khoa bị hư hỏng hàng loạt, anh phải chuyển lên ca 5 lọc máu vào cuối ngày hôm trước vào kết thúc vào lúc 3 giờ hôm sau. Khi kết thúc ca chạy thận, anh không thể về nhà được và phải ngủ lại tại hành lang bệnh viện chờ trời sáng. Anh đã phải trình bày hoàn cảnh khó khăn, neo người để xin chuyển xuống ca 3. Anh Hùng mong muốn, các máy lọc máu sớm được sửa chữa để người bệnh đỡ vất vả, khổ cực, không phải trắng đêm tại bệnh viện.
Trước đó, Bệnh viện đã có tờ trình số 65/TTr-BVBR ngày 11/10/2022 và Sở Y tế tỉnh cũng đã có tờ trình số 235/TTr-SYT ngày 13/10/2022 gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương bố trí vốn trong ngân sách năm 2023 cho việc sửa chữa lớn trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bà Rịa. Trong đó, phần kinh phí đề nghị cấp cho sửa chữa các máy lọc máu là hơn 2,4 tỷ đồng.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bà Rịa cho biết, với tình hình khẩn cấp như hiện nay, ngày 2/11, Bệnh viện Bà Rịa đã có văn bản 1402/BVBR-TTB báo cáo tình hình hoạt động lọc máu chu kỳ và thiết bị lọc máu gửi Sở Y tế tỉnh. Trong văn bản này, Bệnh viện đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sớm hỗ trợ kinh phí sửa chữa các máy lọc máu. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động lọc máu trong các năm tiếp theo, đơn vị đề nghị các cấp có thẩm quyền có kế hoạch mua sắm mới các máy lọc máu để thay thế cho các máy hiện tại. Bệnh viện Bà Rịa đang tích cực thực hiện mọi biện pháp để phục vụ người bệnh nhưng các biện pháp hiện tại chỉ có tính chất tạm thời...
Theo thông tin của phóng viên, Văn bản 1402/BVBR-TTB của Bệnh viện Bà Rịa đã được gửi đi từ ngày 2/11. Tuy nhiên đến nay, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trả lời vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo này của Bệnh viện Bà Rịa.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cũng nhận được phản ánh từ phía người bệnh đang lọc thận và đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh báo cáo vụ việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo bệnh viện gửi gấp văn bản liên quan đến sự cố máy lọc máu và sẽ có hướng xử lý, bố trí kinh phí để sửa chữa.