Lọc máu khẩn cấp vì uống nhầm nước sát khuẩn bằng cồn công nghiệp methanol

Chiều 10/3, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (54 tuổi, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) ngộ độc do uống nhầm cồn. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt.

Gia đình bệnh nhân cho biết, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên gia đình đã mua cồn về để ở mỗi phòng 1 chai với mục đích tiện cho công tác sát khuẩn. Chai cồn 70 độ mà bệnh nhân uống nhầm được gia đình mua tại hiệu thuốc gần nhà. Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sử dụng cho mọi công tác sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác: "Dùng làm chất đốt và rửa kính". Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có uống nhầm khoảng 100 ml cồn, sau đó thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ…

Trung tâm đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 56%.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Loại cồn sát trùng thực sự chúng ta cần dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp methanol thì lại là hóa chất độc hại không được dùng làm sát trùng.

"Vấn đề cần cảnh báo ở đây là sản phẩm cồn công nghiệp methanol nêu trên có nguy cơ rất cao gây ngộ độc cho người sử dụng. Thứ nhất, mặc dù trên nhãn ghi công dụng chỉ dùng "dùng làm chất đốt và rửa kính", có nghĩa là hóa chất độc hại, hoàn toàn không liên quan y tế nhưng lại được bán ở hiệu thuốc. Thứ hai, về hình thức có nhiều điểm làm người mua hiểu là cồn sát trùng như đóng chai giống hệt chai cồn sát trùng, có chữ "cồn 70 độ", được sản xuất bởi một công ty TNHH đầu tư thương mại dược…", Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Cồn công nghiệp methanol hoàn toàn không được sử dụng để sát trùng trong y tế. Nếu dùng thì không đảm bảo tác dụng sát trùng, đồng thời dùng quá nhiều trên diện da rộng và nhiều lần hoặc kéo dài thì ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não).

Do các đặc điểm dễ nhầm lẫn và lại được bán ở hiệu thuốc nên người dân dễ dàng mua về sử dụng không đúng dẫn tới ngộ độc.

Với trường hợp nam bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm, Tiến sĩ Nguyên cho biết: "Do bệnh nhân đến viện kịp thời, chúng tôi đã xử trí lọc máu khẩn cấp nên bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân còn di chứng mờ mắt".

Nhiều năm gần đây, qua việc xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng "rởm" (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp methanol và nước). Trung tâm đã báo cáo với các cơ quan chức năng và thông báo cho người dân biết. Nhiều sản phẩm cồn công nghiệp như vậy vẫn tiếp tục được bán ở các hiệu thuốc nhưng đã thay đổi nhãn mác về công dụng thành "dùng để đốt hay lau chùi", hình thức chai lọ và nhãn mác vẫn rất giống các chai cồn sát trùng. Còn người dân thì vẫn phải mua các sản phẩm không an toàn này về dùng.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân khi mua cồn về sát trùng phải xem kỹ các thông tin trên nhãn mác, đặc biệt về công dụng, thành phần cụ thể rõ ràng để tránh sử dụng nhầm mục đích và sẽ dẫn đến gây hại cho sức khỏe.

Với cơ quan quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên mong muốn: Không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc mà chỉ nên bán tại quầy bán các hóa chất tẩy rửa hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

TTXVN/Báo Tin tức
Tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp có chiều hướng gia tăng
Tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp có chiều hướng gia tăng

Thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 21/2 cho biết, vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN