Tính từ ngày 5/7 đến trưa ngày 19/7, Hà Nội đã ghi nhận 200 trường hợp mắc COVID-19. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 459 trường hợp mắc.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về tình hình tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hà Nội vẫn đang bố trí đủ chỗ cho các F0 theo kế hoạch. Với số ca bệnh như hiện tại, Hà Nội đã huy động 3 bệnh viện (trong số 5 bệnh viện đã được phân công), luôn sẵn sàng tham gia tiếp nhận người bệnh COVID-19 là: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn; trong đó bệnh viện Thanh Nhàn mới được huy động thêm”.
Theo đó, Hà Nội đã có phương án cho các tình huống ghi nhận 1.000 - 3.000 - 5.000 bệnh nhân COVID-19, mức độ bệnh nhân đến đâu sẽ đáp ứng đến đó. Còn hiện tại, Hà Nội mới đang áp dụng kịch bản 300 - 500 giường, với 3 bệnh viện được huy động.
Khi các địa bàn phát hiện có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, các Trung tâm Y tế của các quận, huyện có trách nhiệm liên hệ với các bệnh viện có chức năng điều trị COVID-19 đã được phân công và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Hàng ngày, Sở Y tế cũng có thông tin về số lượng giường tại các bệnh viện hiện có, bệnh viện nào còn giường, bệnh viện nào đã đầy để các địa phương cập nhật và có sự liên hệ cho phù hợp.
Tìm hiểu tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Theo sự phân công của Sở Y tế, Bệnh viện Đức Giang bố trí 150 giường cho tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện tại Bệnh viện đã có trên 100 F0 cùng với các F1 đang điều trị, cách ly tại đây. Dự kiến trong 1-2 ngày tới, bệnh viện vẫn còn có thể tiếp nhận bệnh nhân, nhưng phải tính phương án dồn các đối tượng như F1 đang cách ly phù hợp để có thể tiếp nhận F0”.
Theo đó, Bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đến điều trị cho đến khi hết cơ số giường được phân công. Nếu các địa bàn liên hệ vào thời điểm đã hết giường thì các đơn vị có thể liên hệ với các bệnh viện khác để đưa người bệnh tới. Bệnh viện cũng thường xuyên có báo cáo với Sở Y tế về tình hình các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện để có sự sắp xếp phù hợp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, Sở vẫn liên tục bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hiện Sở đã phân công 5 bệnh viện tiếp nhận người bệnh COVID-19 bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long và có phương án đáp ứng điều trị theo từng cấp độ dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho các tình huống dịch, vừa qua, Hà Nội cũng đã có kịch bản chuẩn bị phương án 1.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 và người bệnh nghi ngờ, chia làm 3 giai đoạn với sự tham gia của 41 bệnh viện.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã giao Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đức Giang chịu trách nhiệm là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh COVID-19 của thành phố Hà Nội. Mỗi bệnh viện tổ chức riêng 1 khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19 với cơ số: Bệnh viện Thanh Nhàn 20 giường bệnh, Bệnh viện Đức Giang 20 giường bệnh trong Khoa Hồi sức tích cực trong tổng số giường bệnh được giao để thu dung điều trị người bệnh nặng, nguy kịch từ các tuyến chuyển đến. Các bệnh viện khác được giao cách ly điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng, nhẹ, trung bình.
Các bệnh viện khác được giao nhiệm vụ cách ly điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng, nhẹ, trung bình. Đối với mỗi giai đoạn, căn cứ vào số lượng bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ, vừa, nặng, nguy kịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội tổ chức phân luồng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các đơn vị. Với các trường hợp nghi ngờ, các bệnh viện chuyên khoa sẽ thu nhận sau khi có hội chẩn với các đơn vị y tế chuyển gửi bệnh nhân.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, các kịch bản ứng phó có sự thay đổi theo tình hình dịch bệnh. Hiện Sở Y tế cũng đang tiếp tục xây dựng các phương án để phù hợp với tình hình dịch hiện nay.