Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế thông tin cụ thể về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sơ y tế công lập. Đây là thông tư mới mà Bộ Y tế chuẩn bị ban hành, dự kiến có hiệu lực thi hành ngay từ quý III năm 2019.
Đáp ứng nhu cầu tự nguyện sử dụng dịch vụ chất lượng cao
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên thông tin cho biết: Thực tế hiện nay nhiều người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng dịch vụ cao, được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu). Do đó đòi hỏi các bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân.
Các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nhu cầu nên thời gian qua nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở nước ta cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh…
Mặt khác, ngày càng nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Do đó, việc ra đời thông tư nêu trên là góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị y tế đủ điều kiện thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư các bệnh viện, khu điều trị khang trang, hiện đại, chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ cao để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người bệnh.
Từ đó, người dân có điều kiện thu nhập cao, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch y tế, chữa bệnh…
Ông Nguyễn Nam Liên cũng nhấn mạnh: Trong thông tư, Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế công lập có thể thu giá giường bệnh theo yêu cầu tới 4 triệu đồng/giường/ngày, tiền khám tối đa 500.000 đồng/lượt là mức giá khung, phù hợp với các loại bệnh viện, loại dịch vụ mà đơn vị có khả năng cung cấp chứ không phải là giá cố định.
Từ giá khung này, các bệnh viện xây dựng mức giá cụ thể phù hợp với thực tiễn chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương theo 1 trong 2 phương pháp đã được Bộ Tài chính hướng dẫn. Mức giá do các bệnh viện đưa ra không được vượt quá mức giá tối đa mà Bộ Y tế quy định trong thông tư. Mặt khác, các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao mà chất lượng lượng chuyên môn và phục vụ không tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác…
Đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định: Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chứ không áp dụng đại trà.
Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế mà không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán bảo hiểm y tế và mức giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Có ý kiến lo ngại rằng, các bác sỹ ở bệnh viện công lập sẽ “chạy” theo khám chữa bệnh dịch vụ mà quên mất bệnh nhân bảo hiểm y tế. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên khẳng định: Pháp luật Việt Nam quy định thực hiện bảo hiểm y tế là bắt buộc và toàn dân tham gia bảo hiểm y tế. Nên sẽ không có việc các bệnh viện chỉ quan tâm đến dịch vụ mà “bỏ bê” bệnh nhân bảo hiểm y tế. Bởi lẽ đến nay đã có gần 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Rất nhiều bệnh viện hiện nay nguồn thu chiếm 80-90%, thậm chí 95% là từ bảo hiểm y tế nên nếu không tập trung nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì người dân không đăng ký khám chữa bệnh nữa thì bệnh viện sẽ không có kinh phí để hoạt động.
Hoạt động dịch vụ theo yêu cầu ở các bệnh viện chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, có thể cao có thể thấp tùy đơn vị nhưng tinh thần chung của các bệnh viện hiện nay là nâng cao khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để có nguồn thu ổn định…
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu sau khi bảo đảm được việc khám bệnh, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế.
Trường hợp quá tải về khám bệnh hoặc người bệnh có bảo hiểm y tế thường xuyên phải nằm ghép thì không được sử dụng số phòng khám hiện có hoặc số giường bệnh kế hoạch được giao để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Đơn vị phải tự đầu tư cơ sở hoặc thuê cơ sở để thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu.