Những thành tích ấn tượng
Năm 2001 với thành công của ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện Trung ương Huế chính thức góp mặt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam. Tiếp theo, ngày 1/3/2011 là bước ngoặt quan trọng, mốc son lịch sử của đơn vị nói riêng và ngành Y học, ngoại khoa Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên ca ghép tim do ê-kíp của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Sự kiện này đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia ghép tim trên thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sống trên 5 năm của các ca ghép tim là 70%, 30% người bệnh đạt ngưỡng quanh 10 năm và lâu nhất hiện nay là gần 13 năm. Trường hợp ghép tim năm 2011 của Bệnh viện chính là ca ghép đạt kỷ lục đó. Tỷ lệ sống sau ghép của các ca ghép tim tại Bệnh viện cũng đạt gần 100%.
Với điều kiện và hoàn cảnh lúc đó còn nhiều hạn chế, thành công của các ca ghép tạng cho thấy, trình độ tay nghề đáng tự hào của các bác sỹ Thừa Thiên - Huế. Từ đó tạo ra tiền đề, động lực thực hiện ngày càng nhiều các ca ghép tạng “made by Vietnam” trên dải đất chữ S. Đến nay sau hơn 20 năm, lĩnh vực ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế đã có phát triển vượt bậc và là đơn vị y tế điển hình, dẫn đầu cả nước về số ca ghép tim xuyên Việt.
Nằm tại khu vực miền Trung, việc ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Huế gặp nhiều khó khăn so với hai đầu đất nước. Với đội ngũ bác sỹ tay nghề, chuyên môn cao, Bệnh viện có thể thực hiện nhiều hơn các ca ghép tạng nếu nguồn tạng và phương tiện vận chuyển không bị hạn chế… Trước tình hình đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai hiệu quả các ca ghép tim xuyên Việt; thậm chí xác lập nhiều kỷ lục ấn tượng. Sáng kiến ghép tim xuyên Việt được xem là giải pháp hữu hiệu vừa đáp ứng nhu cầu ghép vừa duy trì được hoạt động kỹ thuật ghép tim phù hợp điều kiện tại Việt Nam.
Sử dụng máy bay dân dụng, xe ô tô để vận chuyển tạng là điều chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi ở các nước phát triển đều dùng trực thăng để hỗ trợ công tác ghép tạng. Tuy nhiên, Bệnh viện Trung ương Huế đã 9 lần sử dụng phương án này để chạy đua với các trường hợp ghép tim. Năm 2022, đơn vị xác lập 2 kỷ lục: thời gian lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ ngắn nhất. Chỉ trong một ngày, đơn vị đã thực hiện thành công 3 ca ghép tạng ở hai nơi cách nhau hơn 1.000 km. Đây có thể là trường hợp đặc biệt khi ê - kíp bác sỹ của Bệnh viện vừa phải thực hiện 2 ca ghép thận tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai ghép tim tại Thừa Thiên - Huế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao thành tựu ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là đơn vị tự chủ thực hiện ca ghép tim đầu tiên và là một trong ba trung tâm ghép tạng lớn của cả nước. Trong tương lai, đơn vị được định hướng phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu không chỉ trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là mục tiêu có thể làm được bởi Bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật điều trị cao, ngang bằng với thế giới, không thua kém các nước khác.
Triển khai ghép tạng thường quy
Năm 2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chỉ rõ mục tiêu đến năm 2025 là phát triển mạnh lĩnh vực ghép tạng tại Bệnh viện, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về thực hiện bộ ba ghép tạng “tim, gan, thận”.
Đến nay, trên 1.600 ca ghép tạng (tim, gan, thận, tế bào gốc và giác mạc) được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong đó, Trung tâm Tim mạch của đơn vị bình quân mỗi năm thực hiện 200 ca ghép tim, gan, thận, tim. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc thiết lập quy trình ghép tạng thường quy tại Bệnh viện. Ghép tạng cũng trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của đơn vị.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ghép tạng là đầu tàu kéo theo sự phát triển của các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, xét nghiệm, huyết học, sinh hóa. Vì thế, để xây dựng đơn vị là trung tâm y tế chuyên sâu, y học cao cấp, việc phát triển lĩnh vực ghép tạng là điều không thể thiếu.
Bệnh viện Trung ương Huế có nhiều chuyên ngành cao cấp tạo nền tảng thuận lợi cho việc ghép tạng. Để chuẩn bị lực lượng ghép tạng và thế hệ kế nhiệm, từ năm 1997, đơn vị đã cử các cán bộ, bác sỹ đa chuyên khoa (tiết niệu, thận học, tiêu hóa, tim mạch, gây mê hồi sức…) đi đào tạo ở các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Đức. Đến nay, các thế hệ bác sỹ của Bệnh viện đã có thể thực hiện các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối của suy các tạng. Song song đó, tính chuyên nghiệp của quy trình ghép tạng tại Bệnh viện còn được thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu chuẩn bị đến thủ tục pháp lý, phẫu thuật, điều trị chống thải ghép. Tất cả là điều kiện cần và đủ để kỹ thuật ghép tạng được triển khai thường quy, thuần thục.
Có mặt ở tất cả ca ghép tim của đơn vị, Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Hoài Ân, chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiết lộ: “Trong các ca ghép, chúng tôi có một vài ‘cải tiến’ trong kỹ thuật để tim ghép đập lại sớm hơn, những mạch máu không cần thiết sẽ được thực hiện nối lại sau”.
Ở khâu gây mê các ca bệnh ghép tim bị suy tim giai đoạn cuối, các bác sỹ phải cẩn trọng trước nguy cơ ngưng tim, suy hô hấp tuần hoàn. Bác sỹ Chuyên khoa II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tim mạch bật mí, ê-kíp phải áp dụng nhiều kỹ thuật gây mê hồi sức trong phẫu thuật ghép tim như gây mê cân bằng với từng liều nhỏ cho đến khi đạt đến độ mê sâu theo yêu cầu mê nhanh, tỉnh nhanh; kỹ thuật theo dõi độ mê sâu, độ đau bằng máy theo dõi độ đau, độ mê sâu số hóa…
Nhiều ca được ghép tạng thành công là những “nhân chứng sống” giúp các bệnh nhân của Bệnh viện Trung ương Huế có trong danh sách chờ ghép tạng thêm động lực, niềm tin vào điều kỳ diệu. Khắc phục rào cản khan hiếm nguồn tạng, đặc biệt từ người chết não, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai truyền thông vận động hiến tạng thông qua các đợt kêu gọi hiến máu nhân đạo; dự kiến thành lập Chi hội vận động ghép tạng phối hợp với các tổ chức tôn giáo nhằm kêu gọi người dân hiến tạng, san sẻ sự sống.
Với đầy đủ tiềm lực về cơ sở vật chất, nhân lực trong khi chi phí điều trị thấp hơn so với các nước trên thế giới, Bệnh viện Trung ương Huế hoàn toàn có cơ sở để cạnh tranh, thu hút bệnh nhân nước ngoài đến thăm khám, chữa bệnh; đồng thời, góp phần giảm số lượng người bệnh ra nước ngoài điều trị.