Đồng lòng bảo vệ ngày mai

“Giáo dục để bảo vệ ngày mai" là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường năm 2022 (14/11) trong bối cảnh số ca mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh và trẻ hóa trên toàn cầu, song nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu máu để thử đường huyết cho một bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở Hyderabad (Ấn Độ). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành mắc bệnh (chủ yếu là tuýp 2), nhưng có đến 50% không biết mình bị bệnh. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021, tức là trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong. Đáng chú ý, 3/4 số người mắc bệnh sống ở các nước có thu nhập thấp/trung bình. Theo khu vực, Tây Thái Bình Dương ghi nhận 206 triệu ca (cao nhất thế giới), tiếp đến là Đông Nam Á - 90 triệu ca, Trung Đông- Bắc Phi khoảng 73 triệu ca.

IDF cũng cho biết cứ 6 trẻ em sinh ra thì có 1 em bị ảnh hưởng từ đái tháo đường thai kỳ của mẹ. Hơn 1 triệu trẻ em mắc đái tháo đường tuýp 1, trong khi số bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa. Ngay tại Việt Nam đã phát hiện các bệnh nhân trong độ tuổi thiếu nhi. Giới khoa học nhận định nguyên nhân của việc tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường ở giới trẻ có thể là do tiêu thụ quá mức thức ăn nhanh, trà sữa cùng lối sống ít vận động, hút thuốc lá… dẫn đến tăng tỷ lệ mắc các bệnh béo phì, rối loạn mỡ máu, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Tại Việt Nam, đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ ba trong các bệnh không lây nhiễm (sau bệnh tim mạch và ung thư). Hiện số người bị đái tháo đường ở Việt Nam là trên 3,5 triệu người và khoảng 3,5 triệu người bị tiền đái tháo đường. Khoảng 60% số người mắc đái tháo đường ở Việt Nam không được chẩn đoán sớm.

Đái tháo đường là bệnh chưa thể chữa khỏi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, kinh tế của gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội. Gánh nặng tử vong hoặc tàn phế do căn bệnh này rất lớn - là một trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai nam và nữ giới, gây ra các biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Trên thế giới, cứ 30 giây lại có 1 người mất đi một phần thân thể do đái tháo đường. Không chỉ làm tổn hại sức khỏe, bệnh đái tháo đường còn khiến bệnh nhân và gia đình người bệnh mất một khoản chi phí lớn cho việc điều trị bệnh cũng như các biến chứng do bệnh gây ra. Chi phí điều trị tiểu đường ước tính lên tới  966 tỷ USD, tăng tới  316% trong vòng 15 năm qua. So với những bệnh lây nhiễm khác, chi phí điều trị của bệnh này thường cao gấp 20-40 lần. Riêng ở các nước công nghiệp phát triển, chi phí cho bệnh đái tháo đường thường chiếm từ 5-10% ngân sách dành cho y tế.

Mặc dù đái tháo đường là một bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu, song IDF cũng cho biết 50% số ca đái tháo đường, và 90% số ca đái tháo đường tuýp 2 là có thể phòng ngừa hoặc hạn chế nguy cơ biến chứng bằng cách thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn uống. Việc tầm soát đái tháo đường cũng là biện pháp mang lại hiệu quả cao.  
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho tới năm 2030, bao gồm xác định và chẩn đoán 80% số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường và đảm bảo kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp. Các mục tiêu cũng bao gồm điều trị cho 60% số bệnh nhân trên 40 tuổi bằng thuốc giảm cholesterol và đảm bảo rằng tất cả những người mắc bệnh đái tháo đường loại 1 đều có thể tự theo dõi insulin và đường huyết với giá cả phải chăng. 

Tuy nhiên, có thể thấy, để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trong đó, nâng cao nhận thức về căn bệnh đái tháo đường đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo việc chẩn đoán và điều trị sớm, đồng thời hỗ trợ những người mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát tình trạng bệnh. Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 2022 nằm trong chủ đề bao trùm của giai đoạn 2021-2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” xuất phát từ cách tiếp cận này. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các chính phủ hành động ngay bây giờ để nâng cao nhận thức của người dân và cải thiện hiệu quả đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất có thể cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần cung cấp các chương trình tuyên truyền, giáo dục về căn bệnh đái tháo đường ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe ngày mai”.

WHO cảnh báo rằng những gì mà đại dịch HIV/AIDS đã hoành hành trong 20 năm cuối thế kỷ XX cũng sẽ là điều bệnh đái tháo đường có thể gây ra trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI nếu cộng đồng quốc tế không hành động sớm để kiểm soát và ngăn ngừa căn bệnh này. Biểu tượng vòng tròn màu xanh của “Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường” chính là thông điệp về sự đồng lòng, chung sức của cộng quốc tế đối phó với căn bệnh nguy hiểm này.

Phan An (TTXVN)
Tăng cường giáo dục giúp cải thiện cuộc sống của hơn 530 triệu người bị đái tháo đường
Tăng cường giáo dục giúp cải thiện cuộc sống của hơn 530 triệu người bị đái tháo đường

Cứ 5 giây trên thế giới lại có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường khoảng 537 triệu người trưởng thành (20 - 79 tuổi) đang sống chung với căn bệnh này. Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường tiếp cận giáo dục về bệnh đái tháo đường để giúp cải thiện cuộc sống của hơn nửa tỷ người đang sống chung với bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN