Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau ngày 1/10, cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế, xã hội. Đối với công tác phòng, chống dịch, số ca mắc COVID-19 được kiềm hãm; số ca bệnh nặng, tử vong giảm. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần gần đây, số ca mắc, số ca tử vong có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Đây là sự quan ngại rất lớn của Chính phủ và ngành Y tế.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cần lưu ý phương án phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin về tình hình biến chủng mới Omicron xuất hiện tại Nam Phi. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã nhanh chóng mời các chuyên gia đóng góp ý kiến tư vấn về cách ứng phó. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tễ, bao phủ vaccine, tăng cường hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Vì vậy, thành phố Cần Thơ lưu ý thực hiện tốt các khuyến cáo nêu trên; tăng cường giám sát dịch tễ tại địa phương, đặc biệt là các khu vực đông dân cư (chợ đầu mối, bến cảng, bến xe,...); đảm bảo an toàn cho người dân, nhân viên y tế; giảm số lần xét nghiệm để tiết giảm chi phí. Việc tiêm vaccine không phải an toàn tuyệt đối, vì vậy tiếp tục khuyến cáo người dân không được tập trung đông người, đảm bảo 5K.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm mũi vaccine bổ sung. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng trong thời gian tới, Thứ trưởng lưu ý lực lượng y tế Cần Thơ cần thận trọng khi tiêm cho người dân, nhất là với trẻ em, công nhân.
Đối với các trường hợp điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tầng 3, hệ thống điều trị F0 tại nhà ở Cần Thơ; lưu ý việc cần làm lúc này là hỗ trợ F0 điều trị, cách ly tại nhà tiếp cận được với các dịch vụ y tế cơ bản nhanh nhất (thuốc hạ sốt, thuốc kháng đông, kháng viêm, thuốc điều trị có kiểm soát...).
Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thành phố Cần Thơ với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng nên tiếp nhận lượng lớn người dân các tỉnh, thành khác đến công tác, khám chữa bệnh. Do vậy, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới gia tăng, trong đó có nhiều ca bệnh được phát hiện qua sàng lọc ở các cơ sở y tế do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca mắc không có triệu chứng, không rõ nguồn lây. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn đông dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa bàn có mật độ dân cư đông, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu chế xuất...
Tính từ ngày 8/7 đến 30/11, thành phố Cần Thơ ghi nhận 26.385 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 12.529 ca đã được điều trị khỏi và 200 ca tử vong. Hiện có 2.625 bệnh nhân đang điều trị ở các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tầng 2 và 298 bệnh nhân đang được điều trị tại tầng 3 (trong đó, có 149 bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn,...). Toàn thành phố hiện có 9.994 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại nhà và 9.480 trường hợp F1 đang cách ly y tế tại nhà.
Theo hướng dẫn xác định cấp độ dịch, thành phố Cần Thơ thuộc cấp độ 3. Tuy nhiên, do không đạt yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nên ngành Y tế thành phố Cần Thơ đã thực hiện đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn đến ngày 25/11 phải tăng lên một cấp độ dịch (cấp 4).
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ dự báo trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị tại một số bệnh viện để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã cập nhật quy trình hướng dẫn gói chăm sóc F0 tại nhà gồm các hoạt động quản lý, theo dõi, chăm sóc, xét nghiệm, kê đơn thuốc và vận chuyển người bệnh; thành lập tổ điều phối F0, tổ cấp cứu lưu động của ba tuyến để kịp thời hỗ trợ các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng để nhập viện; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đội cấp cứu lưu động trong việc vận chuyển F0, hỗ trợ cấp cứu F0 tại nhà.
Thành phố phố Cần Thơ đã kích hoạt hoạt động của 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 đội y tế lưu động hỗ trợ (gồm bác sĩ và sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ); phân bổ 10.530 túi thuốc A (gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ sung vitamin và khẩu trang), 6.930 gói thuốc B và 980 túi thuốc Đông Tây y kết hợp cho các trạm y tế để phục vụ, điều trị F0 tại nhà; tiếp nhận lực lượng hỗ trợ của Quân khu 9 (gồm 5 đội với 30 người) tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; phối hợp mạng lưới thầy thuốc đồng hành triển khai mạng lưới hỗ trợ tư vấn qua điện thoại cho các F0 tại Cần Thơ; phối hợp Tập đoàn FPT triển khai hệ thống theo dõi quản lý F0 tại nhà...
Thành phố có 13 cơ sở xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày và 39 cơ sở xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Hiện thành phố đang được sự hỗ trợ của đoàn Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) triển khai nền tảng quản lý xét nghiệm.
Trước tình hình ca nhiễm đang tăng cao, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực cho 100 giường bệnh hồi sức tích cực tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa thành phố và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để đảm bảo năng lực tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch trên địa bàn.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược xem xét sớm cấp số đăng ký cho thuốc Monuvir 400 để Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang có thể triển khai sản xuất phục vụ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.