Diệt muỗi, lăng quăng, ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát

Do thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang rất lớn.

Để chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và đảm bảo việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tình huống, tỉnh đang tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương đồng loạt triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn quản lý từ ngày 1/10/2023; duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có ổ dịch, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần trong tháng 10, tháng 11/2023; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy)…

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương; kịp thời tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.  Các cơ sở y tế đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhân 143 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 9/2023, trên địa bàn ghi nhận 98 ca mắc mới, tập trung ở các huyện: Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang… Đặc biệt, tại thành phố Tuyên Quang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành điều tra, giám sát véc-tơ, bắt muỗi. Qua đó, thu thập được nhiều mẫu muỗi trưởng thành và các ổ bọ gậy nguồn Aedes gây bệnh; trong đó, ghi nhận cả 2 véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypty (véc-tơ chính) và Aedes Albopictus (véc-tơ phụ).

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra theo chu kỳ hàng năm. Bệnh diễn biến mạnh nhất vào mùa mưa từ tháng 6 - 10 (thời điểm thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều muỗi sinh sản nhanh). Khi nghi mắc sốt xuất huyết, mọi người không nên tự ý mua thuốc; cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị hiệu quả, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trẻ em.

Vũ Quang (TTXVN)
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu bùng phát dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu bùng phát dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ

Theo Sở Y tế Hải Dương, từ ngày 18/9 đến ngày 30/9, Hải Dương đã ghi nhận 3.307 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, chủ yếu là học sinh tiểu học và mầm non...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN