Đẩy nhanh nghiên cứu vaccine ngừa virus Nipah gây tổn thương não bộ

Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh toàn cầu (CEPI) đã đạt được thỏa thuận tài trợ cho các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo của Nhật Bản nhằm đẩy nhanh việc nghiên cứu và điều chế vaccine ngăn ngừa căn bệnh gây tổn thương não bộ do virus Nipah gây ra.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Kozhikode, Ấn Độ ngày 21/5. AFP/TTXVN .

Trong thông báo ngày 24/2, CEPI nêu rõ nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo sẽ nhận được 31 triệu USD để phát triển và điều chế liều vaccine thử nghiệm ngăn ngừa bệnh dịch lây truyền từ loài dơi. Vaccine thử nghiệm của nhóm này được điều chế dựa trên cơ chế sử dụng một vaccine sởi được điều chỉnh giảm hiệu quả và được chèn thêm vào đó các gien của virus Nipah.      

Giám đốc điều hành CEPI Richard Hatchett nhấn mạnh cần đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển vaccine ngăn ngừa virus Nipah do tình trạng gia tăng tỷ lệ người tử vong vì căn bệnh liên quan virus này và nguy cơ căn bệnh đó có thể trở thành mối đe dọa tới y tế toàn cầu.   

Virus Nipah lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 trong đợt bùng phát dịch bệnh gây ảnh hưởng tới các nông dân chăn nuôi lợn cũng như những người có tiếp xúc với lợn mang mầm bệnh ở Malaysia và Singapore. Hơn 100 người đã tử vong trong đợt dịch này và khoảng 1 triệu con lợn đã bị thiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.  Virus này lây lan sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dơi, lợn hoặc những người mang mầm bệnh. Có ít nhất 17 người tử vong trên tổng số 19 ca thông báo nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch hồi năm ngoái ở Ấn Độ. Các trường hợp nhiễm virus này thường có nhiều triệu chứng giống cúm, gồm sốt, họ, đau đầu trong vòng từ 3-14 ngày. Chỉ khoảng 2 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, người bệnh nhiễm virus Nipah sẽ bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tính hoặc gặp các triệu chứng thần kinh như co giật và hôn mê. Cho tới nay, chưa có cách nào điều trị căn bệnh này. 

Hiện virus Nipal đang nằm trong danh sách mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và điều chế vaccine phòng ngừa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bên cạnh virus Ebola, Zika, MERS, Lassa và sốt xuất huyết Crimean-Congo.

Minh Tâm  (TTXVN)
Phát hiện chất kháng khuẩn phổ biến gây tổn thương não bộ
Phát hiện chất kháng khuẩn phổ biến gây tổn thương não bộ

Ngày 11/2, các nhà khoa học Chile cho biết triclosan - chất kháng khuẩn phổ biến có trong nhiều sản phẩm như dầu gội, kem đánh răng, chất khử mùi, nước rửa chén và thậm chí có trong vải và giầy dép gây hại đến hệ thống thần kinh và tế bào thần kinh con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN