Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện gia tăng trong khoảng 1,5 tháng gần đây. Trong đó, số ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 60%. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, số ca bệnh ngoại trú liên quan đến tay chân miệng là 30.269 ca, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số ca nhập viện điều trị nội trú lại tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong tháng 9 số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao cả nội trú (tăng 82%) và ngoại trú tăng 220%.Tương tự, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 6.348 ca bệnh ngoại trú liên quan đến sốt xuất huyết và 2.751 ca nội trú, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 9 tổng số ca bệnh tăng đột biến từ 18-35% so với cùng năm trước.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho hay từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 21.322 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong bốn tuần qua, số ca mắc bệnh lại tăng gấp 2 lần so với trước đó. Hiện đã có 24/24 quận, huyện xuất hiện ca bệnh.
Đối với dịch bệnh sởi, toàn thành phố đã có 146 ca dương tính với bệnh này, trong đó số ca mắc bệnh sởi đã xuất hiện tại 22/24 quận, huyện. Hầu hết, ca bệnh không có liên hệ dịch tễ với nhau và không ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, tuy nhiên gần đây đã phát hiện một số trường hợp lây nhiễm trong gia đình bệnh nhân.
Hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm vét vắc xin sởi để đảm bảo đạt tỷ lệ miễn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn tại những khu vực có mật độ tập trung dân cao và di biến động dân cư lớn, khu vực vùng xa của thành phố.
Theo Bộ trưởng Tiến, sởi là bệnh rất dễ lây, chỉ cần đi qua đầu giường bệnh nhân mắc sởi cũng có nguy cơ lây bệnh. Do đó, Bộ trưởng khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ mắc các bệnh nhẹ không nên đưa vào bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2. Vì đưa vào các bệnh viện này, trẻ mắc các bệnh khác rất có nguy cơ lây nhiễm chéo. Sởi đã có vắc xin, vì thế Bộ trưởng Y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi chích đủ 2 mũi 9 và 18 tháng.
Trong buổi sáng cùng ngày tại quận Thủ Đức, Bộ Y tế cùng với UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi “Phát động đợt cao điểm truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết năm 2018”.
Thông qua đợt phát động này, Bộ y tế muốn phát động toàn xã hội chung tay phòng chống dịch bệnh, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng. Bởi bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiếp xúc, hơn nữa bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng động, trong đó chú trọng hai bệnh là sởi và tay chân miệng, đây là hai bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc. Do đó, ở các trường học khi phát hiện một trường hợp mắc bệnh thì bắtt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, cách ly người bệnh. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia cho tất cả trẻ em là hết sức quan trọng và cần thiết.