Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, 5 tỉnh, thành phố đầu tiên thực hiện thí điểm phương thức thanh toán này, gồm: Yên Bái, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Cần Thơ. Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương pháp tính toán phù hợp với thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện văn bản hướng dẫn để triển khai rộng rãi vào năm 2021. Mục đích nhằm giảm bớt các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như hiện nay trong bối cảnh thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú toàn quốc vào năm 2021.
Luật Bảo hiểm y tế quy định 3 phương thức thanh toán: thanh toán theo giá dịch vụ, thanh toán theo định suất và thanh toán theo trường hợp bệnh. Thực tế tại Việt Nam hiện nay đang thanh toán theo giá dịch vụ là chủ yếu. Với phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, việc kiểm soát chi phí rất khó khăn do bản chất của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ dễ dẫn đến việc cung ứng quá mức cần thiết, cung ứng càng nhiều dịch vụ thì sẽ càng có lợi, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ như hiện nay, dễ dẫn đến nguy cơ mất cân đối thu – chi quỹ Bảo hiểm y tế, khó kiểm soát được chi phí và lãng phí nguồn lực của xã hội.
Phương thức thanh toán theo định suất cũng đã được triển khai theo Thông tư liên tịch số 09 năm 2009 và số 41 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Phương thức này đã thu được những kết quả nhất định, tạo sự chủ động cho các bệnh viện trong tự chủ tài chính, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, phương thức thanh toán theo định suất đã áp dụng tại Việt Nam đến nay không còn phù hợp do quy định thông tuyến khám chữa bệnh như hiện nay.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rút kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất để khoán quỹ định suất cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú; đồng thời thời gian vừa qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã học tập mô hình của Thái Lan để xây dựng phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG), quy định mức phí chi trả theo ca bệnh điều trị nội trú (khoán nội trú).
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội các tỉnh triển khai thí điểm phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 5 tỉnh, thành nêu trên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm trong việc cung cấp dữ liệu và phối hợp với Bộ Y tế trong việc tính toán quỹ định suất, theo nhóm chẩn đoán liên quan và điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm kịp thời hướng dẫn các tỉnh thí điểm thực hiện.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng phương pháp giám định phù hợp với phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất, theo nhóm chẩn đoán liên quan để thống nhất với Bộ Y tế làm cơ sở hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành thực hiện trong quá trình triển khai thí điểm; giám sát việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất, theo nhóm chẩn đoán liên quan đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và cơ sở khám chữa bệnh.
Việc thanh toán dịch vụ y tế theo theo nhóm chẩn đoán liên quan sẽ góp phần kiểm soát giá dịch vụ, chi tiêu của người dân rất hiệu quả. Đây cũng là giải pháp góp phần phân bổ nguồn lực để chi trả cho từng bệnh trong 1 năm, không làm tăng giá dịch vụ y tế một cách bất thường; đồng thời, đảm bảo nguồn thu bảo hiểm y tế phù hợp với giá dịch vụ mà bệnh viện thu theo nhóm chẩn đoán liên quan.
Lớp đào tạo phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan tại Cần Thơ diễn ra trong hai ngày, từ 21/9 đến 22/9.