Đáng lưu ý, tình trạng nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, dao động từ 24 - 49 tuổi (chiếm trên 74%). Đây là lực lượng lao động chính trong xã hội. Những năm gần đây, tình hình nhiễm bệnh trên địa bàn đã có sự thay đổi về hình thái lây nhiễm. Trước đây, HIV chủ yếu lây qua đường máu là chính. Tuy nhiên hiện nay, các trường hợp lây bệnh qua tình dục không an toàn chiếm tỷ lệ cao với 66,64%; trong đó, lây nhiễm ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam tăng nhanh (chiếm 7,08%).
Theo bác sỹ Chuyên khoa I Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa phòng, chống HIV (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk), trên địa bàn tỉnh, bệnh nhân nhiễm HIV phần lớn là giới trẻ, nguồn lây chủ yếu là quan hệ đồng giới. Bệnh nhân bị lây truyền qua đường mẹ con, tiêm chích ít hơn. Đối với bệnh nhân nhiễm HIV, việc được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) rất quan trọng. Chỉ có thuốc ARV mới gây ức chế sự phát triển của virus. Đặc biệt, virus HIV sẽ tăng lên cấp số nhân nếu như không được điều trị thuốc đúng, đủ, kịp thời. Thuốc gồm 3 loại trong 1 viên nên dễ dàng cho bệnh nhân tuân thủ điều trị uống hàng ngày, đều đặn, suốt đời.
“Hiện đang có Dự án của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ hỗ trợ xét nghiệm phát hiện trường hợp nhiễm mới. Khi được phát hiện HIV dương tính, người bệnh được tư vấn, khoanh vùng, tìm ra nguồn lây để đưa vào điều trị. Khi bệnh nhân được điều trị sớm, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ thấp”, bác sỹ Huỳnh Thị Hồng Sinh thông tin thêm.
Do quan hệ tình dục không an toàn, tháng 8/2023, anh N.H.T (sinh năm 1996, thành phố Buôn Ma Thuột) phát hiện dương tính với HIV. Anh T cho biết, ban đầu, anh xuất hiện các triệu chứng như: sốt, ngủ mê man… Sau đó, anh đến thăm khám tại Khoa phòng, chống HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và được chẩn đoán dương tính với HIV. Khi phát hiện mắc bệnh, anh rất buồn. Tuy nhiên được sự quan tâm, động viên của y, bác sỹ và cộng đồng, anh đã vượt qua mặc cảm, tuân thủ các phác đồ, yên tâm điều trị bệnh.
Trường hợp của bệnh nhân N.D.Đ (sinh năm 1984, huyện Krông Pắk) dương tính với HIV từ năm 2012. Trải qua 12 năm điều trị, anh Đ cho biết, khi mới phát hiện bệnh, anh suy sụp, chán nản. Tuy nhiên, qua quá trình điều trị và thực hiện nghiêm túc phác đồ do bác sỹ đưa ra, hiện, sức khỏe anh ổn định và làm việc bình thường. “Vào thời điểm 5 năm đầu mới điều trị, do buồn nên tôi uống thuốc không đúng giờ dẫn đến hậu quả bị teo một chân. Chuyển qua phác đồ 2, tôi thực hiện nghiêm túc, sức khỏe dần ổn định. Các bệnh nhân HIV cần lạc quan, vô tư và đặc biệt cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, uống thuốc đúng giờ”, anh Đ chia sẻ.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vinh, Trưởng Khoa phòng, chống HIV (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thực hiện đúng theo phác đồ điều trị, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và làm việc bình thường. Hiện nay, thuốc kháng virus đáp ứng tốt, bệnh nhân tuân thủ sẽ giảm nguy cơ lây bệnh.
Các bác sỹ khuyến cáo, mỗi người cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Đặc biệt, các bạn trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách. Khi nghi ngờ có dấu hiệu lây nhiễm HIV, người dân cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, làm các xét nghiệm và điều trị thuốc kháng virus sớm.
Để giảm thiểu số người bị nhiễm HIV/AIDS, ngành Y tế Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ điều trị, can thiệp giảm tác hại lây nhiễm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV… Tỉnh hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV/AIDS được cộng đồng phát hiện; 90% người phát hiện HIV được điều trị ARV; 90% bệnh nhân đồng nhiễm HIV, lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao; 50% người bệnh đồng nhiễm HIV, viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C…