Ca mổ thành công, “mẹ tròn con vuông” khiến ai nấy đều vui mừng khôn tả. Sau nhiều ngày, câu chuyện đẹp ấy vẫn cứ lan truyền trên mạng xã hội, trong cộng đồng như “nốt nhạc” vui giữa mùa dịch căng thẳng.
Chào đời trong Bệnh viện điều trị COVID-19
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhớ như in ca mổ cách đây vài ngày trước. Anh tâm sự, sáng 30/6, khi lãnh đạo Sở Y tế gọi điện báo tin có một sản phụ là F0 chuyển dạ đang được chở ra Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh (cơ sở 1, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), anh em chuẩn bị để mổ. Lúc ấy, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì bệnh viện này mới có quyết định thành lập chừng nửa tiếng trước đó. Lo vì cơ sở vật chất ở đây còn thiếu thốn, sợ không đủ bố trí cho ca mổ.
Khi cuộc gọi kết thúc, bác sĩ Viễn “lệnh” nhân viên kết nối điện thoại trực tiếp với sản phụ để hỏi thăm tình hình sức khỏe đồng thời nhờ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh chi viện lực lượng hỗ trợ. Mọi thứ đều diễn ra chóng vánh, ngoài tầm kiểm soát.
Nhận được tin, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh tức tốc huy động ê-kíp 6 người (bác sĩ, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên gây mê hồi sức) điều ra Bình Sơn tham gia “đỡ đẻ” cho sản phụ F0. Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh, thành viên trong ê-kíp chia sẻ, lúc đầu nhận tin, mọi người đều tỏ ra bất ngờ, thậm chí xen lẫn cảm giác lo lắng, hồi hộp nhưng rồi cũng kịp trấn an, động viên lẫn nhau cố gắng hoàn thành trọng trách được giao phó.
“Khi nhận lệnh lên đường, chúng tôi không có bất kỳ tin tức gì về sản phụ cũng như không biết đơn vị tiếp nhận sản phụ có đủ trang thiết bị để phục vụ ca mổ này hay không. Bàn bạc kỹ lưỡng, ê-kíp thống nhất phương án xin lãnh đạo cơ quan bố trí phương tiện để vận chuyển một số trang thiết bị theo cùng, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”- bác sĩ Lĩnh bộc bạch.
Quả như dự đoán, ra tới nơi, các thành viên đều hết sức ngỡ ngàng khi ở đây không có phòng mổ. Chẳng ai bảo ban ai, mọi người nhanh chóng tản ra mọi phía, tận dụng tất cả những gì có thể dùng được để thiết lập một phòng mổ “dã chiến”; điều thêm một xe cứu thương khác chở dụng cụ từ thành phố Quảng Ngãi ra bổ sung”- bác sĩ Lĩnh bộc bạch.
Do tốn khá nhiều thời gian khi phải di chuyển quãng đường dài gần 100 cây số nên mãi tới 11 giờ 40 phút cùng ngày, chuyến xe chở sản phụ mới “cập bến” Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh. Các y, bác sĩ đợi sẵn ở đó từ rất lâu. Họ gấp rút lấy mẫu máu của sản phụ để xét nghiệm rồi nhanh chóng đẩy vào phòng mổ. Sau khi kiểm tra sức khỏe, dò hỏi tiền sử bệnh (đã từng mổ khi sinh con đầu), ê-kíp quyết định thực hiện biện pháp mổ lấy thai. Khoảng 12 giờ 20 phút, ca mổ hoàn tất; sản phụ đón con gái chào đời với cân nặng 3 kg.
“Cháu bé có dấu hiệu suy tim thai (tim đập nhanh), ê-kíp phải chăm sóc tích cực. Thật may mắn, ít phút sau, sức khỏe của cháu dần ổn định. Áp lực như được trút bỏ. Với chúng tôi, khoảnh khắc ấy thật đáng nhớ, như thể đã trải qua một “trận chiến” đầy cam go ngay giữa thời bình. Tiếng khóc của cháu vang cả góc phòng, như một “nốt nhạc vui” xóa tan đi những rào cản, khoảng cách vô hình”- bác sĩ Lĩnh vừa nói vừa nở nụ cười tươi.
Tình người trong “bão” dịch
Video “đỡ đẻ” cho sản phụ F0 ngay lập tức được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và tạo hiệu ứng tích cực. Cộng đồng mạng khi theo dõi đã không ngừng tán dương, bày tỏ niềm cảm phục trước sự quả cảm, hi sinh, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tận tâm, tận sức với nghề của các y, bác sĩ cũng như cầu chúc vạn điều tốt lành đến với mẹ con sản phụ.
Câu chuyện đẹp đẽ chưa dừng lại ở đó, nó như “ngọn lửa” nhen nhóm thêm những điều tốt lành khác. Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn thông tin, lúc mới mổ xong, sản phụ không có sữa cho con bú: "Tôi cùng nhân viên của mình phải kêu gọi mọi người quyên góp, hỗ trợ nguồn sữa qua trang Facebook. Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều số máy lạ gọi tới tôi đăng ký cho sữa. Nhờ đó, lượng lớn sữa được tiếp nhận, trữ đông để cháu dùng dần. Chúng tôi thật sự xúc động trước việc làm nhân văn, cao cả của những người “không quen mặt, không biết tên”; nó thể hiện sự tương trợ, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn",
Chị Đỗ Thị Mỹ Viện, trú xã Bình Trị, huyện Bình Sơn cho hay: "Nhà tôi chỉ cách Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh chừng 1,5 cây số. Khi biết sự việc, tôi đã tranh thủ sắp xếp thời gian phù hợp đi tới tận nhà những người thân, bạn bè đang có con nhỏ để xin sữa, chủ động liên lạc cho gia đình sản phụ đến nhận khi có nhu cầu và sẵn sàng tiếp đón bất cứ lúc nào”, chị Viện phấn khởi cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hà (38 tuổi), nữ hộ sinh trong ê-kíp ngày hôm đó là người duy nhất được chỉ định ở lại để chăm sóc hai mẹ con sản phụ, chị chia sẻ lúc đó chẳng kịp chuẩn bị tư trang, đồ đạc, nghe lệnh là vội đi. Xong việc mới gọi nhờ chị em khoa Sản, Bệnh viện Sản-Nhi gửi ra hộ. "Tạm gác công việc gia đình để chuyên tâm chăm sóc cho hai mẹ con. Thấy họ bình an, lòng tôi cũng vui sướng lây. Từ trước đến giờ, đây là ca mổ “đặc biệt” mà tôi góp mặt", chị Hà nói.
Bác sĩ Võ Hùng Viễn khẳng định, “cuộc chiến” giành lấy sự sống cho cháu bé đã kết thúc mỹ mãn. Chúng tôi sẽ tiếp tục một hành trình mới, một “cuộc chiến” khác là nỗ lực điều trị khỏi COVID-19 cho sản phụ N.T.TH để niềm vui ấy thật sự trọn vẹn, nhân đôi. Hơn ai hết, những người tham gia tuyến đầu chống dịch luôn mong muốn, dịch bệnh sẽ mau chóng được đẩy lùi…