Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó, mèo, chồn, cầy… Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu (chiếm 96 - 97%), sau đó là mèo (3 - 4%).
Ghi nhận của Hội Y học dự phòng Việt Nam từ 2017 - 2021, cả nước có 378 ca tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại, trong đó Bến Tre là địa phương đứng đầu với 11 ca tử vong.
Riêng trong 2 năm 2020 - 2021, bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Ths.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm y học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân bệnh dại tăng và số ca tử vong do dại tăng là do người bệnh không đi tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm trên vùng da bị tổn thương.
“Người dân thường nghĩ rằng, chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt cổ…” Ths.Bs Nguyễn Ngọc Anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người dân ngộ nhận chó, mèo đã tiêm phòng dại cắn thì không sao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng đó là quan niệm sai lầm và chưa đủ dữ kiện khẳng định chó, mèo đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Do đó, người bị phơi nhiễm vẫn phải điều trị dự phòng và tiêm ngừa dại đầy đủ.
Ngoài ra, theo Ths.Bs Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y hoặc đi lấy nọc… theo phương pháp điều trị dân gian sẽ dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong. Bởi bệnh dại không đi qua đường máu mà đi qua đường dây thần kinh. Theo đó, những phương pháp trên đều không có hiệu quả. Đặc biệt, cần chú ý những trường hợp chó, mèo cắn ở những vị trí nguy hiểm như vùng đầu, mặt, cổ… Đây là những vị trí virus dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng dại là tiêm vaccine dại. Hiện nay, vaccine dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ mới là công nghệ tế bào, được kiểm tra quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho người tiêm. Vì thế, Ths.Bs Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vaccine dại ngay sau khi phơi nhiễm, không sợ bị tác dụng phụ của vaccine như giảm trí nhớ như trước đây.
Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, thời gian ủ bệnh dại ở người là từ 1 – 3 tháng, nhưng cũng có thể từ 9 ngày đến vài năm. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí cắn (nơi có nhiều dây thần kinh), khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập.
Thời kỳ lây bệnh của chó dại là 3 – 7 ngày và tối đa 10 ngày trước khi chó có triệu chứng dại và suốt thời kỳ phát bệnh. Biểu hiện phát bệnh dại của chó, mèo thường là cắn, sủa dữ dội, bỏ nhà đi, cắn bất cứ vật gì gặp trên đường, chết do liệt cơ hô hấp và kiệt sức vì không ăn uống được.
Ngoài ra, bệnh dại còn biểu hiện con vật ủ rũ, liệt ở một bộ phận hay nửa người, thông thường là liệt cơ hàm, há miệng, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do, không cắn, không sủa, gầm gừ trong họng. Với mèo là núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn như khi động dục, cắn khi có người chạm vào.