Năm 2017, có ít nhất 1,5 triệu trẻ em tử vong do các bệnh có thể phòng tránh bằng vaccine. Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, bắt đầu ngày 24/4, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động và tổ chức trên quy mô toàn cầu kể từ năm 2011 nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, thúc đẩy việc sử dụng vaccine để bảo vệ người dân ở mọi lứa tuổi khỏi bệnh tật.
Với chủ đề “Cùng nhau được bảo vệ: vaccine có hiệu quả”, WHO đặt mục tiêu chứng minh được giá trị của vaccine đối với sức khỏe trẻ em và cả cộng đồng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tiến bộ trong công tác tiêm chủng.
Theo các chuyên gia y tế, vaccine là phát minh vĩ đại của khoa học bởi chế phẩm này có thể coi như một loại "vũ khí" tạo khả năng miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một tác nhân gây bệnh cụ thể.
Thống kê của WHO cho thấy, việc tiêm chủng vaccine không chỉ giúp khoảng 3 triệu người, đặc biệt là trẻ em, thoát khỏi tử vong mỗi năm, mà còn giúp kéo dài tuổi thọ con người, từ đó phát triển nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, bởi cứ 1 USD dành cho việc tiêm chủng sẽ giúp tiết kiệm 44 USD trong tương lai.
Thông qua các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, hàng loạt căn bệnh chết người, như đậu mùa, đã được xóa sổ. Năm 2017, khoảng 85% trẻ sơ sinh trên thế giới (116,2 triệu trẻ) đã nhận được vaccine DTP3 chống bạch hầu, uốn ván và ho gà, giúp bảo vệ các em khỏi những bệnh truyền nhiễm có thể gây dị tật và tử vong. Đây con số lớn nhất từng được ghi nhận. Đối với bệnh sởi, trong năm 2017, 167 quốc gia đã đưa mũi tiêm thứ hai vào chương trình tiêm chủng định kỳ và 67% trẻ em đã được tiêm cả hai mũi.
Bất chấp những con số tích cực này, mục tiêu xóa bỏ các căn bệnh như sởi, rubella, uốn ván ở mẹ và trẻ sơ sinh, vẫn bị thụt lùi. Trong vòng 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát sởi, bạch hầu và các căn bệnh khác mà vaccine hoàn toàn có thể ngăn ngừa.
Đa số các trẻ em bỏ lỡ tiêm vaccine sinh sống tại những khu vực nghèo đói nhất, cộng đồng thiểu số, ảnh hưởng bởi xung đột. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn, là những quan niệm sai lầm về tác dụng của vaccine lại khiến cả những nước phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh.
Đặc biệt, trên mạng Internet, trào lưu nuôi con theo kiểu tự nhiên, không tiêm phòng, không thuốc thang… đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội, "đảo ngược" những tiến bộ toàn cầu trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh nhờ vaccine.
Trên thực tế, phong trào “chống vaccine” bắt nguồn từ năm 1974 khi một báo cáo được công bố tại Anh cho rằng, 22 trẻ sau khi tiêm vaccine ho gà có triệu chứng chậm phát triển và có triệu chứng động kinh.
Tiếp đó, năm 1998, Tiến sĩ Andrew Wakefield đã đăng trên tạp chí The Lancet một bài báo cho rằng vaccine phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ.
Mặc dù đã có nhiều công trình khoa học bác bỏ những kết luận sai lầm trên, song hệ quả của trào lưu nguy hiểm này đang trở thành mối đe dọa toàn cầu. Thậm chí, WHO đã cảnh báo rằng đây là một mối hiểm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2019.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số phần trăm trẻ không được tiêm chủng đã tăng 4 lần trong hơn 1 thập niên vừa qua. Cụ thể hơn, có 47.000 trẻ được sinh vào năm 2015 (1,3% trên tổng số) chưa được tiêm chủng vào năm 2017, lớn hơn rất nhiều so với con số 0,3% của 2011.
Đến nay, phong trào "chống vaccine" đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại với sức khỏe y tế toàn cầu. Năm ngoái, dịch sởi đã bùng phát ở cấp độ toàn cầu, trong đó có cả những quốc gia phát triển, với 136.000 ca tử vong. Tại Mỹ, nơi bệnh sởi hầu như đã được loại bỏ từ năm 2000, việc không tiếp tục tiêm phòng đã khiến số ca nhiễm sởi tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2017 và 2018, lên tới 791 ca.
Gần đây, dịch sởi cũng bùng phát cả ở 2 thành phố lớn New York và Washington. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi.
Trước sự lan rộng của trào lưu tẩy chay vaccine, nhiều nước đã có biện pháp đối phó mạnh tay. Tại Italy, trẻ từ 6 đến 16 tuổi đang đi học không tiêm vaccine, cha mẹ sẽ bị phạt 500 euro (561 USD).
Tại Đức, luật pháp quy định, cha mẹ nào từ chối tiêm phòng cho con cái của họ có thể bị phạt tiền đến 2.500 euro (2.805 USD). Còn tại Romania, cha mẹ từ chối tiêm chủng cho con có thể đối mặt với cáo buộc tội lạm dụng trẻ em nếu đứa bé bị tổn hại sức khỏe hoặc tử vong vì những bệnh bệnh vốn có thể ngăn ngừa bằng vaccine…
Các mạng xã hội cũng đã vào cuộc để chống lại trào lưu này. Facebook xem xét việc giảm hoặc gỡ bỏ thông tin giả về vaccine khỏi những gợi ý tìm kiếm, trong khi YouTube đã thông báo dỡ bỏ các quảng cáo trong các video chống vaccine, ngăn chặn một trong những cách kiếm tiền từ các video này. Từ năm ngoái, Pinterest đã bắt đầu chặn các tìm kiếm liên quan đến tiêm chủng vaccine và chữa trị ung thư, do các kết quả tìm kiếm có thể dẫn đến những thông tin sai lệch.
Trong khi đó, để ứng phó với dịch sởi bùng phát, chính phủ các nước và UNICEF đã phối hợp vận động tiêm chủng, khuyến khích cha mẹ đưa con đi tiêm. Ở Yemen, nơi xung đột kéo dài dẫn đến dịch sởi bùng phát, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO, và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã tiêm chủng được cho hơn 11,5 triệu trẻ em trong tháng 2.
Ở cấp độ phối hợp toàn cầu, tháng 5/2017, các bộ trưởng Y tế từ 194 quốc gia đã ủng hộ nghị quyết mới về tăng cường tiêm chủng để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động vaccine toàn cầu (GVAP), lộ trình giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong mỗi năm thông qua viêc tiếp cận vaccine công bằng hơn vào năm 2020.
Nghị quyết hối thúc các nước tăng cường quản lý và vai trò lãnh đạo đối với các chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng dịch vụ tiêm chủng không chỉ dừng lại trẻ sơ sinh, huy động tài chính trong và tăng cường hợp tác quốc tế để đạt được mục tiêu.
Tiêm chủng chính là nền tảng của hệ thống y tế mạnh và sự bao trùm của chăm sóc sức khỏe toàn cầu, với sự trợ giúp đắc lực của "chiến binh tinh nhuệ" mang tên vaccine. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất với sự đoàn kết của cả cộng đồng, trước hết là các bậc cha mẹ, để tất cả mọi người đều được vaccine bảo vệ.