WHO nhấn mạnh rằng tiêm chủng thường được coi là một trong những biện pháp can thiệp y tế hiệu quả và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, trên toàn thế giới có tới hơn 19 triệu trẻ em không được tiêm chủng hoặc được tiêm chủng chưa đủ và có nguy cơ mắc các căn bệnh đe dọa tính mạng. Trong số này, 10% số trẻ em chưa bao giờ được tiêm chủng và rất có thể không bao giờ được tiếp xúc với hệ thống y tế.
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng hành động để bảo đảm mỗi người được bảo vệ khỏi các bệnh vốn có thể ngăn ngừa được bằng vắcxin. Với chủ đề "Cùng được bảo vệ, Vắcxin hiệu quả", Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay khuyến khích người dân mọi tầng lớp, từ các nhà tài trợ đến những người dân thường tiếp tục nỗ lực để gia tăng phạm vi tiêm chủng. WHO kêu gọi các chính phủ phải đầu tư vào nỗ lực tiêm chủng, phải xác định tiêm chủng là biện pháp y tế ưu tiên hàng đầu, và mọi người dân nên tiêm chủng cũng như tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình mình được tiêm chủng.
Năm nay, Tuần lễ Tiêm chủng thế giới có mục tiêu đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng, nhấn mạnh đến vai trò mà mỗi người - nhà tài trợ hoặc cá nhân - có thể đảm đương trong vấn đề này. Trong khuôn khổ của chương trình, WHO và các đối tác muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng và những hạn chế trong vấn đề này; thông tin tới các quốc gia tài trợ về giá trị của vắcxin và tầm quan trọng của việc đầu tư cho nỗ lực tiêm chủng; nhấn mạnh vai trò của các nhà tài trợ hoặc cá nhân vào những tiến bộ trong tiêm chủng.
Kế hoạch hành động vắcxin toàn cầu, đã được 194 quốc gia thành viên WHO phê chuẩn từ tháng 5/2012, nhằm giảm thiểu, từ nay đến năm 2020, hàng triệu người tử vong thông qua phổ cập tiêm chủng. Mặc dù có những cải thiện ở một số quốc gia và các vắcxin mới được đưa vào sử dụng với một tỷ lệ cao trên toàn cầu, cộng đồng quốc tế vẫn ghi nhận có sự chậm trễ trong việc loại bỏ một số bệnh dịch, trong đó có sởi, rubella và uốn ván.
Theo WHO, để mỗi người, dù sinh sống ở đâu, có thể sống khỏe mạnh và phát triển tốt, các quốc gia cần phải nỗ lực phối hợp hơn nữa để đạt được những mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động vắcxin toàn cầu tới năm 2020. Bên cạnh đó, các quốc gia đã đạt được những mục tiêu nêu trên hoặc đã đạt được những tiến bộ đáng kể phải tiếp tục duy trì các thành quả để đảm bảo tất cả mọi người đều được tiêm chủng các vắc xin chủ yếu.