Khi giới trẻ ngày càng quan tâm chủ động học hỏi về tế bào gốc và các lĩnh vực y học tái tạo là một điều đáng mừng, thì việc các Trung tâm trị liệu Tế bào gốc tiếp nhận thực tập sinh không chỉ giúp các em trang bị kiến thức mới về lý thuyết mà còn có cơ hội tham quan, tìm hiểu trực tiếp tại phòng thí nghiệm.
Bạn Đinh Hoàng Dương lớp 12 trường Holy Trinity High School, thành phố Chicago (Illinois, Mỹ), một thực tập sinh Việt Nam có đam mê tìm hiểu về trị liệu tế bào gốc, đã có cơ hội được thực tập tại Trung tâm Tế bào gốc Helene Nhật Bản, chia sẻ: “Chăm sóc sức khỏe và Trị liệu bằng tế bào gốc tự thân là phương pháp được nhiều người biết đến nhưng vẫn chưa được ứng dụng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Em quan tâm đến lĩnh vực tế bào học, biomedical và đã nghiên cứu, tìm hiểu thông qua nhiều báo cáo khoa học một thời gian. Nghỉ hè này, em may mắn vì có cơ hội được tham quan và học hỏi ở trung tâm tế bào gốc Helene ở Tokyo, Nhật Bản”.
Trung tâm Helene được cố vấn bởi ngài Hosokawa Ritsuo - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Không chỉ vậy, Trung tâm Helene còn được cố vấn bởi Giáo sư Ravindra Gupta - giáo sư nổi tiếng về tế bào gốc và vi sinh lâm sàng tại Viện Miễn dịch Trị liệu và Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Cambridge. Giáo sư được vinh danh trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 của Time.
“Qua trao đổi với tiến sĩ bác sĩ Yuichi Wakabayashi (tốt nghiệp đại học Y Kobe, có thời gian 3 năm làm việc nghiên cứu PostDoc tại Mỹ), trung tâm Helene tập trung điều trị bằng tế bào gốc trung mô. Các tế bào này được chiết xuất từ mô mỡ hoặc tủy xương từ cơ thể người, phải trải qua một quá trình nuôi cấy phức tạp và tác động biến đổi để có khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng”.
Kết thúc chuyến thực tập, Dương chia sẻ: “Ở phòng thí nghiệm và phòng khám của bác sĩ tại Helene, em được hiểu về những vấn đề mà trị liệu tế bào gốc đã giải quyết được, và cả những vấn đề mà phương pháp chưa giải được hoặc vẫn đang cần nghiên cứu thêm. Sau khi hoàn thành intern ngắn tại Helene, em trở về Mỹ và viết một bài báo cáo khoa học về việc sử dụng tế bào gốc cho hội chứng thiểu sản tim trái. Trải nghiệm tại phòng khám Nhật đã giúp em học hỏi và rút ra nhiều góc nhìn mới về lĩnh vực này”.
Với niềm đam mê nghiên cứu lĩnh vực tế bào học, Hoàng Dương và nhiều bạn trẻ khác cũng bày tỏ mong muốn được tham gia vào các hoạt động khác của nền y học tái sinh Nhật Bản để được học hỏi nhiều hơn. Hy vọng các Trung tâm trị liệu tế bào gốc sẽ là nơi truyền lửa cho thế hệ y bác sĩ tương lai muốn nghiên cứu và phát triển công nghệ y học tái sinh, giúp các em học sinh sẵn sàng tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ công nghệ trong thời đại mới.
Được biết, Helene là cơ sở đầu tiên được cấp phép trị liệu tế bào gốc tại Nhật Bản. Trung tâm cũng ngày càng quan tâm đến việc hợp tác quốc tế và đào tạo thế hệ y khoa tương lai, mở những hoạt động tiếp nhận các du học sinh từ Mỹ, Anh có mong muốn nghiên cứu về tế bào gốc.
Dương cho biết thêm: “Dù trong thời gian ngắn, em đã được trao đổi tham vấn các ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia đã có thời gian nghiên cứu và ứng dụng nhiều năm về tế bào gốc, đồng thời được làm việc tại trung tâm”.
Trung tâm có phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về tế bào gốc, nơi thực hiện việc phân tích lấy mẫu, nuôi cấy và lưu trữ tế bào với những trang thiết bị hiện đại tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Thêm vào đó, trung tâm thường xuyên nhận được những tư vấn chuyên môn định kỳ từ những phòng thí nghiệm liên kết bên ngoài để đảm bảo luôn có được những công nghệ nuôi cấy bằng phương pháp mới nhất, tốt nhất. Thực tập sinh được tham quan phòng khám, tận mắt xem một số quy trình nuôi cấy tế bào gốc ở phòng thí nghiệm.