Số lượng người mắc thường tăng cao vào những tháng mùa đông – xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giám sát chặt chẽ ở người và gia cầm để phát hiện sớm sự xâm nhập của chủng vi rút cúm A(H7N9) vào nước ta; đồng thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống cúm A(H7N9), sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) tại Việt Nam. Đến nay, nước ta vẫn chưa phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như ở người.
Thời gian tới, 2 bộ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh cúm A(H7N9) và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng, chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn để kịp thời tiêu hủy, ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm (như sốt, ho, đau ngực, khó thở), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời…
Kết quả theo dõi từ năm 2013 đến đầu năm 2017 ở Trung Quốc đều chưa phát hiện các trường hợp vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh và chết ở gia cầm (gia cầm nhiễm vi rút nhưng không có biểu hiện bệnh) cũng như các loài động vật khác, do đó được phân loại là chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực thấp. Tuy nhiên, từ ngày 10/1/2017 đến nay, các mẫu vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh ở gia cầm được phát hiện và phân loại là chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao.
Việc chuyển từ chủng độc lực thấp sang chủng độc lực cao của vi rút cúm A(H7N9) làm tăng nguy cơ vi rút cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người do việc đào thải vi rút cúm A(H7N9) từ gia cầm vào môi trường cao hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng vi rút độc lực thấp. Tính đến ngày 25/10/2017, tại Trung Quốc đã phát hiện 54 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người...