Hà Nội diễn tập tiếp nhận, cách ly, theo dõi bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh cúm H7N9. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng với nền nhiệt lên cao gần 50 độ C,
rồi lại mưa gió bất thường. Hiện tượng nắng nóng đầu tiên của mùa hè
2017 được các nhà dự báo khí tượng thủy văn cho rằng hơn 40 năm mới có
đợt nắng nóng như thế này mới xảy ra. Dưới tiết trời oi bức, ngột ngạt
và mưa gió bất thường là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch cúm AH7N9
nguy cơ cao xảy ra trên người và gia cầm do vậy không thể chủ quan lơ
là mất cảnh giác.
Nguy cơ cao
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gần đây dịch bệnh Cúm A trên người có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc; trong đó, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp với Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở.
Mặt khác, chủng vi rút Cúm A/H7N9 vẫn luôn nguy hiểm ở chỗ chỉ mang trùng trên gia cầm nhưng lại không gây chết gà nên rất khó phát hiện. Trong khi đó nếu người ăn phải gia cầm sống và tiếp súc với gia cầm mang bệnh lại bị lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và gây tử vong cho người. Hơn nữa, đến nay chưa có vác xin phòng bệnh với chủng viruts cúm này trên gia cầm và người.
Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn đứng đầu cả nước với gần 28 triệu con, cùng 2 chợ đầu mối gia cầm lớn là chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) và chợ Hải Bối (huyện Đông Anh). Riêng chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ có số lượng gia cầm vận chuyển tiêu thụ tại chợ trung bình từ 40 - 60 tấn gia cầm/ngày đêm (khoảng 20.000 - 30.000 con), trung bình mỗi tháng khoảng 700.000 con, mỗi năm khoảng 8 triệu con gia cầm.
Nguồn gốc gia cầm về chợ chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và từ một số tỉnh miền Nam ra như Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, … Chợ Hải Bối có số lượng tiêu thụ gia cầm khoảng trên 3000 con/ngày đêm nhưng lại có 19 hộ giết mổ trực tiếp gà sống ngay tại khu vực chợ, bình quân giết mổ khoảng trên 2000 con/ngày.
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có rất nhiều vùng chăn nuôi gia cầm thủy cầm lớn như khu vực chăn nuôi gà Đồi ở Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Thụy An (Ba Vì), khu vực chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ (khoảng 4,7 triệu con) tập trung ở một số xã như Thủy Xuân Tiên, Hoàng văn Thụ. Chăn nuôi thủy cầm (vịt, ngan) thuộc huyện Ứng Hòa (khoảng hơn 1 triệu con).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú Y Hà Nội cho biết, với thực trạng trên thì nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại Hà Nội là quá cao. Nếu chủ quan, lơ là với các giải pháp phòng chống bệnh sẽ là rất nguy hiểm với dịch cúm gia cầm nói chung, dịch cúm A/H7N9 nói riêng trên gia cầm và trên người. Trong khi đó, mỗi ngày Hà Nội còn có khoảng 10 triệu người đến học tập và sinh sống.
Nhiều kịch bản ứng phó với dịchHà Nội diễn tập vệ sinh, tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh và khử trùng, tiêu độc tại khu vực chợ Hà Vỹ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Từ đầu năm 2017 đến nay với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã ngăn chặn được dịch bệnh trên gia súc gia cầm, không để dịch lớn xảy ra. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, kiểm dịch kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh từ mọi nơi về Hà Nội nên không để dịch cúm A/H7N9 xảy ra trên người và gia cầm.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm Sở đã tăng cường quản lý, giám sát chặt tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch và bao vây, khống chế, xử lý ổ dịch kịp thời. Đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm; nghiêm cấm việc chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nghi bệnh, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn và triệt phá các đường dây, tụ điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Huy Đăng, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, muốn kiểm soát tốt dịch bệnh cần khuyến khích các cơ sở chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng khép kín, an toàn sinh học và xây dựng cơ sở an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên kiểm tra, rà soát, giám sát công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn; yêu cầu người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y. Đồng thời thực hiện việc tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn, đây là giải pháp hữu hiệu vừa phòng chống dịch cúm A/H7N9 vừa làm sạch môi trường phòng chống dịch bệnh trên người và vật nuôi nói chung, làm lành mạnh môi trường sống.
Cùng với đó, Hà Nội cũng chủ động, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, sản xuất giống, các chợ kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhất là tại các chợ đầu mối như chợ Hà Vĩ, chợ Hải Bối, các chợ dân sinh có buôn bán gia cầm sống.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Y tế, cơ quan truyền thông báo đài của Trung ương và Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền phòng chống cúm gia cầm; kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến gia cầm, sản phẩm gia cầm; điều tra, ngăn chặn và triệt phá các đường dây, tụ điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.